Tất cả chuyên mục

Cùng với nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực phía Bắc, trong đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua, ở một số huyện trên địa bàn Quảng Ninh đã xảy ra thiệt hại tương đối. Theo đó, ở khu vực miền Đông, huyện Bình Liêu vẫn đang là địa phương có số lượng gia súc chết nhiều nhất với hàng trăm con dê, hàng trăm con trâu, bò, bê, ghé… Còn ở khu vực miền Tây, TX Quảng Yên cũng mất trắng 83.269kg thuỷ sản và 783 con gia cầm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sẽ có không ít gia đình gặp khó khăn.
Kịp thời chia sẻ với bà con và chỉ đạo huyện khắc phục hậu quả, hôm qua, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Đọc đã có mặt ở Bình Liêu. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã yêu cầu ứng ngay 5 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai của tỉnh để hỗ trợ cho người dân có gia súc bị chết do rét đậm, rét hại. Và, hạn định cho công việc này là xong trước Tết Nguyên đán; còn về mức là cao nhất theo quy định của tỉnh về khắc phục hậu quả thiên tai. Chắc chắn rằng, thông tin này vừa làm ấm lòng người dân Bình Liêu có thiệt hại vừa là “điểm tựa” để họ vượt khó, tiếp tục vươn lên ổn định cuộc sống.
Cũng trong ngày hôm qua, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng của phiên họp thường kỳ đầu tiên của UBND tỉnh trong năm 2016 thì công tác phòng, chống rét đậm, rét hại và khắc phục hậu quả đã được đặt lên bàn nghị sự. Ngay trong ngày, sau khi kết thúc phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã cho ban hành kết luận chỉ đạo về công tác này. Theo đó, đợt 1 thống kê thiệt hại tính đến ngày 28-1-2016 và thực hiện hỗ trợ ngay. Cùng với đó, thành lập các đoàn để tiếp tục thống kê rà soát để có phương án hỗ trợ cho nhân dân trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Nguồn vốn hỗ trợ được xác định từ Quỹ do các tổ chức, cá nhân ủng hộ khắc phục hậu quả mưa lũ thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2015 do MTTQ tỉnh đang quản lý. UBND tỉnh đề nghị MTTQ tỉnh phân khai ngay cho các địa phương để thực hiện hỗ trợ. Và, yêu cầu đặt ra với các địa phương là triển khai ngay, trực tiếp đến từng hộ dân trong diện được hỗ trợ. Và, không nhất thiết phải đợi phân khai từ MTTQ tỉnh nếu địa phương nào bố trí được nguồn để ứng trước thì có thể hỗ trợ ngay.
Trước đó, trong các Công điện của tỉnh chỉ đạo về phòng, chống đợt rét đậm, rét hại cũng luôn có nội dung yêu cầu các địa phương đảm bảo công tác thống kê thiệt hại trong nhân dân để có cơ sở hỗ trợ thiệt hại đầy đủ, khách quan. Đáng chú ý, thời gian hỗ trợ đều đặt ra mốc hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán.
Có thể thấy rất rõ, các chính sách để “trợ lực” cho người dân bị thiệt hại lớn trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã được quyết định rất khẩn trương. Như vậy là, để thực hiện đúng, đủ và kịp thời chỉ còn ở sự triển khai của các cấp, từ huyện tới thôn, xã. Trong thực tế, đã có trường hợp sau thiên tai bất trắc, người dân nói chung, đặc biệt là bà con nông dân đã bị lùng nhùng với việc nhận hỗ trợ. Do vậy, ở bối cảnh cụ thể như hiện tại, khi Tết Nguyên đán đang rất cận kề thì sự sâu sát và trách nhiệm cùng tinh thần làm việc hết mình vì dân của cán bộ cơ sở chính là đem mùa xuân đến sớm cho những nhà đang gặp khó bởi tác động bất thường thiên nhiên.
Ngọc Lê
Ý kiến ()