Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:37 (GMT +7)
Hỗ trợ, nâng cao mức sống người dân
Thứ 4, 17/07/2024 | 10:10:03 [GMT +7] A A
Nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí chủ động vươn lên của người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách được xác định là “đòn bẩy” quan trọng. Bằng sự quan tâm sâu sát của tỉnh, quyết tâm của hệ thống chính trị và nhiều giải pháp đồng bộ, nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ dân vay vốn sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống.
Sau khi hoàn thành án tù trở về, với mong muốn có việc làm ổn định, anh Vũ Trọng Thủy (khu 2A, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) đã cải tạo vườn, đầu tư bể, học hỏi kỹ thuật để thực hiện trang trại sản xuất, nuôi dưỡng, cung ứng các giống cá cảnh. May mắn, anh được phường và Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phát triển trại cá giống. Anh Thủy chia sẻ: Nuôi cá cảnh là niềm đam mê của tôi. Được quan tâm, tạo điều kiện vay vốn tín dụng chính sách, tôi cố gắng làm lại cuộc đời bằng chính niềm đam mê của mình.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 90 người được vay vốn chương trình tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù với tổng số tiền là trên 8 tỷ đồng để mở rộng xưởng gia công may mặc xuất khẩu, trồng cây ăn quả, mở hiệu cắt tóc..., từ đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, làm lại cuộc đời.
Với quan điểm “trao cần câu”, thời gian qua, Quảng Ninh dành sự quan tâm đặc biệt cho các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Cùng với chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn của địa phương, bố trí vốn ngân sách để thực hiện, như: Cho vay hỗ trợ phát triển HTX; chính sách khuyến khích người dân ra sinh sống lâu dài tại đảo Trần, huyện Cô Tô; đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015; Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND (ngày 24/3/2021) quy định một số chính sách đặc thù khuyến khích phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh… Tính đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 5.075,5 tỷ đồng, tăng 3.426,7 tỷ đồng so với năm 2014.
Để kịp thời đưa vốn tín dụng chính sách đến người dân, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến địa phương đã tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh và phòng giao dịch xây dựng mạng lưới, củng cố, nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, bản trên địa bàn toàn tỉnh với 2.132 tổ. Đồng thời, thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác; giám sát chặt chẽ từ khâu bình xét, quản lý, đôn đốc, sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của người vay đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng; thiết lập được mạng lưới 174 điểm giao dịch tại 177 xã, phường, thị trấn giúp các đối tượng chính sách tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi thuận lợi, tiết giảm thời gian đi lại, tăng cường sự giám sát của địa phương. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao với nợ quá hạn và nợ khoanh hiện còn 2,35 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,048% tổng dư nợ.
Bằng các giải pháp đồng bộ, nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho 602.836 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình, người lao động được vay vốn. Trong đó, 51.810 lượt nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất; 272.496 lượt hộ vay vốn để xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; 144.246 lượt hộ vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; 25.985 lượt hộ gia đình vay vốn cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để học tập; 277 lượt hộ gia đình, cá nhân vay vốn để trồng rừng cây gỗ lớn; 98 lượt HTX xã được vay vốn từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đạt 73,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()