Cụ thể, hỗ trợ mức 50.000 đồng/người/ngày, tối đa 3.700.000 đồng/người, cho lao động tự do cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phải nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01.5.2021 đến hết ngày 31.12.2021
Các trường hợp tạm trú phải có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận.
Những đối tượng trên phải làm một trong các công việc sau: Thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe môtô 2 bánh, 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe, làm công việc cắt tóc trên vỉa hè hoặc trong các chợ; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm trong các cơ sở giáo dục tư thục; thợ xây, phụ nề, thợ sơn, thợ các công trình xây dựng.
Ngoài ra, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo Quốc gia và chuẩn nghèo của tỉnh), đảm bảo các điều kiện sau: thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo theo kết quả điều tra, rà soát đến cuối năm 2020 và hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh trong năm 2021; không thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và bảo hiểm xã hội theo các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh, được hỗ trợ một lần mức 1.500.000 đồng/người trong đợt này.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện hưởng từ 2 chính sách trở lên (cả chính sách của Trung ương và địa phương) thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.
Phương thức chi trả: trả 1 lần cho người dân và lao động.
Nguồn kinh phí thực hiện: Từ nguồn kinh phí phòng, chống dịch COVID -19 theo quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 08.02.2021 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
UBND tỉnh Quảng Ninh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh là cơ quan thường trực, chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn triển khai; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này; đảm bảo công khai, minh bạch, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách.
Định kỳ trước ngày 20 hàng tháng, chủ trì tổng hợp, báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các nhóm đối tượng theo Quyết định trên; kịp thời hướng dẫn hoặc đề xuất UBND tỉnh và cấp có thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Trước đó, để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 Quy định về việc thực hiện Nghị quyết 68. Thực hiện chủ trương của Trung ương và chỉ đạo của tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh Quảng Ninh - một trong những đơn vị được giao thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đã nhanh chóng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh… phối hợp với đơn vị rà soát, thống kê, lên danh sách những đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, có nhu cầu được thụ hưởng chính sách.
Trên cơ sở thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh về các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và danh sách các doanh nghiệp đóng bảo hiểm trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng CSXH tỉnh đã tiếp cận, tuyên truyền, rà soát và thống kê được khoảng 1.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động có nhu cầu hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP. Trong đó có 24 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn trên 7 tỷ đồng để chi trả lương cho gần 2.400 lượt người lao động; 18 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch có nhu cầu vay hơn 4 tỷ đồng; 2 doanh nghiệp vận tải có nhu cầu vay hơn 2,3 tỷ đồng. Còn lại các doanh nghiệp, người sử dụng lao động khác trên địa bàn tỉnh có nhu cầu hiện đang tiếp tục củng cố, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm tháng 8/2021, Ngân hàng CSXH Chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện giải ngân cho 14 doanh nghiệp với tổng số tiền 2,364 tỷ đồng để chi trả lương ngừng việc cho hơn 229 lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Hiện đơn vị đang tiếp tục tích cực triển khai chính sách cho vay để người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, đảm bảo người sử dụng lao động đủ điều kiện sẽ được tiếp cận nhanh nhất nguồn vốn tín dụng chính sách. Đồng thời báo cáo các vướng mắc, khó khăn tại địa phương để kịp thời tháo gỡ.
Cùng với Ngân hàng CSXH tỉnh, hiện nay các địa phương của tỉnh cũng đang tích cực rà soát các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo đúng quy định trong Nghị quyết số 68/NQ-CP. Đặc biệt là đối tượng người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trong tỉnh.
Cụ thể như nhóm người lao động tự do phải nghỉ việc, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong toả hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 sẽ được hưởng mức hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày (số tiền hỗ trợ tối đa không quá 3,7 triệu đồng). Hay đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo mà không thuộc diện đang hưởng chế độ trợ cấp người có công, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng khác và bảo hiểm xã hội theo các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh sẽ được hỗ trợ một lần, mức 1,5 triệu đồng/người.
Tính đến đầu tháng 8/2021, tỉnh đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ cho hơn 200.000 người và hơn 5.400 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 42/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh với tổng số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Để việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tiếp tục được triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiện các địa phương trong tỉnh đều đang tích cực thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh đối với việc tiếp tục cắt giảm thời gian thẩm định, giải quyết hồ sơ nhưng vẫn phải đúng, đủ các quy định; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tượng chính sách tiếp cận, thụ hưởng nguồn hỗ trợ chính sách theo quy định, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng; đặc biệt chú ý đến việc công khai, minh bạch, không để lợi dụng và trục lợi chính sách.
Ý kiến ()