Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:29 (GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động KHCN
Thứ 7, 25/12/2021 | 13:44:45 [GMT +7] A A
Thời gian qua, bằng nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ kịp thời, Quảng Ninh đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định thương hiệu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hỗ trợ doanh nghiệp KHCN cũng là một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương trong năm 2021.
Từ năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong hoạt động KH&CN trên địa bàn Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết này áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động KH&CN bao gồm: Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa; hoạt động sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, đổi mới và chuyển giao công nghệ. Kinh phí triển khai từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN hằng năm.
Theo đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ 30-100 triệu đồng đối với hoạt động xác lập quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp, hỗ trợ 20-30 triệu đồng đối với các hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trong lĩnh vực công nghệ và thị trường công nghệ, tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhận chuyển giao công nghệ thuộc danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Chính phủ, hoặc công nghệ thuộc danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh; hợp đồng chuyển giao công nghệ được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân được hỗ trợ không quá một hợp đồng trong một năm.
Từ đầu năm 2021 đến nay, cùng với việc vận dụng các chính sách đã có để hỗ trợ doanh nghiệp KHCN, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn từng địa phương, nhằm kết nối chuỗi bảo quản, sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn chính sách ưu đãi để doanh nghiệp KHCN được thụ hưởng theo quy định.
Riêng với huyện Vân Đồn, Sở đã tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả như: Kết nối chuỗi sản xuất, chế biến thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản và đưa công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản các sản phẩm thủy hải sản vào hoạt động, mang lại giá trị kinh tế cao và hướng tới xuất khẩu; hội thảo ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững chuỗi giá trị hàu tại Vân Đồn để đánh giá thực trạng nuôi, chế biến và định hướng phát triển sản xuất hàu tại địa phương.
Ngoài ra, các doanh nghiệp KHCN trên địa bàn tỉnh khi tham gia những hội thảo như: Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp KHCN; Cà phê công nghệ: Ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm nông sản nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản có thế mạnh của tỉnh; Ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KHCN dược tỉnh Quảng Ninh... đã được giới thiệu những công nghệ tiên tiến, mô hình thực hành tốt về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn trong các lĩnh vực, mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng bền vững; giảm thiểu, thu hồi, thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Quảng Ninh hiện là tỉnh xếp thứ 4 cả nước về số doanh nghiệp KHCN. Tính riêng năm 2021, tỉnh đã phát triển 4 doanh nghiệp KHCN, nâng tổng số doanh nghiệp KHCN của tỉnh là 22 doanh nghiệp. Trong năm, tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 10,28%, tổng thu NSNN trên 51.000 tỷ đồng, thu nội địa đạt trên 40.000 tỷ đồng, cao hơn so với năm 2020. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp KHCN.
Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của tỉnh, các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn nữa tới việc ưu tiên dành nguồn vốn cho phát triển công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần được đẩy mạnh để đáp ứng tốt hơn yêu cầu về đổi mới, ứng dụng công nghệ trong thời gian tới.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()