Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 10:56 (GMT +7)
Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
Thứ 6, 30/08/2024 | 14:24:27 [GMT +7] A A
Phát triển kinh tế xanh luôn là nhiệm vụ quan trọng được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm, tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển kinh tế xanh được hiệu quả cần có thêm các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc
Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đã và đang nhập cuộc một cách mạnh mẽ vì mục tiêu tăng trưởng xanh. Trên đường phố Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như xe máy điện, xe bus điện, ôtô điện. Hai tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào vận hành thương mại là minh chứng rõ nét cho nỗ lực thúc đẩy giao thông xanh quốc gia.
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, dù nhận được sự quan tâm của Chính phủ nhưng họ vẫn vấp phải nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường và bài toán về cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên - CEO Selex Motors - cho biết: “Khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp phải đối mặt đến từ chính sách. Dù Nhà nước đã đưa ra chủ trương rất mạnh mẽ nhưng lại thiếu những chính sách cụ thể, có sức hấp dẫn để tạo một “cú hích mạnh mẽ” vào chuyển đổi xanh.
So sánh với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có quá trình thích ứng và chuyển đổi chậm hơn. Những ưu đãi của quốc tế dành cho Việt Nam lớn nhưng Việt Nam lại chưa có cơ chế để “hấp thụ” những điều đó”.
Mở lối phát triển kinh tế xanh
Theo TS Hà Huy Ngọc - Viện Kinh tế Việt Nam, để hiện thực hóa khát vọng, cam kết chuyển đổi xanh cần sự vào cuộc của tất cả các bộ, ban, ngành.
“Hiện nay, vấn đề kinh tế xanh đang còn nhiều vướng mắc do các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo. Chính phủ, các bộ, ban, ngành đang tích cực vào cuộc, rà soát những mâu thuẫn, những điểm chưa thống nhất trong các văn bản nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đi đầu trong chuyển đổi kinh tế xanh” - TS Hà Huy Ngọc cho biết.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi xanh, TS Ngọc nói: “Nước ta sắp ban hành hệ thống phân loại xanh các ngành kinh tế. Sau khi hoàn thành, nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa các giải pháp hỗ trợ, như tăng nguồn tín dụng xanh cho các doanh nghiệp đi đầu, giảm thuế, phí... Vì vậy, các nhà đầu tư đừng vội nản lòng, cần bình tĩnh, chờ đợi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển”.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, PGS.TS Lê Bộ Lĩnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cho rằng, để xây dựng nền kinh tế xanh một cách đồng bộ và đem lại hiệu quả cao, cần phải thực hiện chuyển đổi một cách nghiêm túc, có lộ trình. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi ở những lĩnh vực trọng điểm.
“Trước tiên, tập trung vào chuyển đổi cơ cấu năng lượng, chuyển từ sử dụng năng lượng hóa thạch là chủ yếu sang năng lượng bền vững, năng lượng tái tạo. Thứ hai, phải tiến hành chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, chú trọng đến những ngành áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, ít phải thải khí nhà kính. Thứ ba, cần chú trọng tới chuyển đổi xanh trong giao thông bởi đây là lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường và phát thải lớn” - PGS.TS Lê Bộ Lĩnh cho biết.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()