Tất cả chuyên mục

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, hiện đại có quy mô công nghiệp nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt hoạt động các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ, gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có hỗ trợ doanh nghiệp phí kiểm soát giết mổ và một phần chi phí giết mổ để doanh nghiệp có điều kiện giảm mức thu đối với người dân, từ đó thu hút người dân đem gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở tập trung.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy việc hỗ trợ thông qua doanh nghiệp rất khó kiểm soát, dễ xảy ra hiện tượng doanh nghiệp trục lợi; đối với người dân chưa nắm bắt được chủ trương, chính sách của tỉnh, nên chưa tích cực. Chính vì thế, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Mục tiêu của chính sách nhằm thay đổi tập quán giết mổ nhỏ lẻ, khuyến khích hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đưa gia súc, gia cầm vào giết mổ tại các cơ sở tập trung trên địa bàn. Đồng thời, phát huy hiệu quả đồng bộ các chính sách của tỉnh cho lĩnh vực này.
![]() |
Thời gian tới các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có gia súc, gia cầm giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung sẽ được hỗ trợ kinh phí. (Ảnh chụp tại cơ sở giết mổ tập trung thuộc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Thiên Trường, phường Hà Phong, TP Hạ Long, ngày 9-6-2016). Ảnh: Thu Nguyệt |
Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có gia súc, gia cầm giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được xây dựng theo đúng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành. Gia súc, gia cầm sau khi giết mổ phải có biên lai thu phí kiểm soát giết mổ của cơ quan có thẩm quyền cấp huyện và hoá đơn hợp pháp thu chi phí giết mổ của cơ sở giết mổ tập trung đối với gia đình, tổ chức, cá nhân đem gia súc, gia cầm đến giết mổ. Phải được UBND các huyện, thị xã, thành phố thẩm định trước khi thực hiện hỗ trợ. Mức hỗ trợ được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế về các chi phí phải chi trả cho một con gia súc, gia cầm đưa vào giết mổ tại cơ sở giết mổ tập trung hiện có của tỉnh. Riêng chi phí giết mổ đối với trâu, bò, ngựa được UBND tỉnh đề xuất trong tờ trình số 3787/TTr-UBND là 166.000 đồng/con. Tuy nhiên, mức hỗ trợ chi phí giết mổ đối với trâu, bò, ngựa không được Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh đồng tình, bởi quá trình thẩm tra, Ban Kinh tế - Ngân sách thấy mức hỗ trợ nêu trên là chưa có cơ sở. Theo kết quả khảo sát của các cơ quan chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung đối với trâu, bò để làm cơ sở thực tế xây dựng mức hỗ trợ, tuy nhiên qua tham khảo các địa phương lân cận thì chi phí giết mổ cho 1 con trâu, bò khoảng từ 500.000 đến 600.000 đồng/con. Vì vậy, để chính sách được phủ đến hết các đối tượng, đồng bộ và phù hợp với thực tế, Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị mức hỗ trợ đối với trâu, bò, ngựa không quá 200.000đồng/con và giao UBND tỉnh quy định mức hỗ trợ cụ thể sau khi thống nhất với Thường trực HĐND tỉnh.
Theo dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, nguồn vốn hỗ trợ gia đình, tổ chức, cá nhân có gia súc, gia cầm giết mổ tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do ngân sách các huyện, thị xã, thành phố chi trả (riêng năm 2016 do chưa được giao trong dự toán ngân sách đầu năm, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ; từ năm 2017 trở đi sẽ được UBND tỉnh cân đối, giao trong dự toán ngân sách các địa phương). Chính sách này khi được thông qua sẽ có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31-12-2020.
Hà Chi
Ý kiến ()