Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:18 (GMT +7)
Hỗ trợ cây trồng xuất khẩu bền vững
Thứ 2, 05/08/2024 | 13:50:06 [GMT +7] A A
Sau hơn 3 năm triển khai Đề án "Phát triển vùng cây ăn quả tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030" ở huyện Đầm Hà đã đạt những kết quả tích cực. Tuy nhiên, để nhân rộng và thực hiện có hiệu quả Đề án thời gian tới, điểm nhấn là phát triển cây chanh leo trở thành nông sản xuất khẩu của huyện, cử tri đề nghị tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ vật tư phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng theo hướng an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững.
Mô hình trồng cây chanh leo tím được Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Đầm Hà phối hợp với HTX Sản xuất nông nghiệp tổng hợp Trường Giang (HTX Trường Giang) triển khai trên diện tích 3ha tại thôn Trại Dinh (xã Đầm Hà) từ cuối năm 2023. Thực hiện mô hình, xã tuyên truyền vận động nông dân cho HTX Trường Giang mượn những diện tích đất kém hiệu quả, bỏ trống để thí điểm trồng cây chanh leo tím. Tham gia mô hình thí điểm, HTX được Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện hỗ trợ 70% về giống, phân bón, hệ thống tưới, cột bê tông; 100% kỹ thuật trồng trọt.
Cây chanh leo tím được HTX Trường Giang trồng theo phương pháp hữu cơ. Thông thường cây chanh leo tím sau khoảng 9 tháng sẽ cho ra quả, tuy nhiên tại HTX Trường Giang, sau hơn 6 tháng đã cho thu hoạch, rút ngắn thời gian hơn 2 tháng.
Qua đánh giá, cây chanh leo tím khá phù hợp với đất đai, khí hậu tại huyện, trái căng tròn, vỏ cứng, chất lượng thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Trong quá trình trồng, Công ty Hoa quả Việt (TP Hồ Chí Minh) cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn giám sát theo đúng quy trình, đạt tiêu chuẩn Global GAP. Qua kiểm định, chanh leo tím tại HTX Trường Giang không có 570 chất cấm trong nông nghiệp, được Công ty Hoa quả Việt bao tiêu toàn bộ sản phẩm để xuất khẩu sang Pháp. Vừa qua, những tấn quả chanh leo đầu tiên được Công ty Hoa quả Việt thu mua tận vườn, giá 20.000 đồng/kg.
Anh Đặng Văn Giang, Giám đốc HTX Trường Giang, cho biết: Trồng cây chanh leo tím theo tiêu chuẩn Global GAP đòi hỏi nguồn phân bón, các chế phẩm sinh học cho cây rất chặt chẽ để đạt xuất khẩu sang châu Âu. Mô hình bước đầu tạo được chuỗi hợp tác liên kết sản xuất. Vì vậy HTX rất mong được tỉnh, huyện hỗ trợ thêm để mở rộng sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững.
Dự kiến 3ha chanh leo tím cho thu hoạch 50 tấn quả/năm. Trong năm đầu tiên phải đầu tư giống, hệ thống tưới, cột bê tông, trừ chi phí, cho thu lãi từ 400-500 triệu đồng. Nếu trồng và chăm sóc tốt trong năm thứ 2, cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Với những thành công bước đầu, việc mở rộng mô hình, kết nối với các hộ dân để nhân rộng, góp phần giúp nông dân nâng cao thu nhập và làm giàu chính đáng trên quê hương là rất cần thiết. Ông Trần Văn Huấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Thời gian tới phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án. Trong đó tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, như Nghị quyết số 194, Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh hỗ trợ các dự án sản xuất nông nghiệp đảm bảo phát triển bền vững.
Theo Đề án, đến năm 2025 diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt khoảng 400ha, sản lượng quả các loại ước đạt 5.200 tấn/năm; đến năm 2030 là 1.500ha, sản lượng 21.600 tấn/năm. Để đạt được mục tiêu trên thì vùng trồng cây ăn quả tập trung, mô hình trồng cây chanh leo rất cần sự quan tâm hỗ trợ của tỉnh và huyện.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()