Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:54 (GMT +7)
Hồ sơ Pandora phơi bày tài sản ngầm của giới siêu giàu
Thứ 2, 04/10/2021 | 22:03:23 [GMT +7] A A
Tổ chức ICIJ vừa công bố Hồ sơ Pandora cho thấy nhiều nhà lãnh đạo, tỷ phú và người nổi tiếng khắp thế giới đã lợi dụng các “thiên đường thuế” để che giấu số tài sản khổng lồ.
Hồ sơ Pandora là gì?
Với dung lượng 2,94 terabyte gồm 11,9 triệu tài liệu, Hồ sơ Pandora đã vén bức màn bí mật che phủ hoạt động tài chính ngầm của giới tinh hoa giàu có từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những người đã sử dụng các thiên đường thuế để mua và che giấu một lượng lớn tài sản, hoặc tệ hơn nữa, tiến hành các hoạt động trốn thuế.
Những đối tượng này bao gồm hơn 330 chính trị gia, 130 tỷ phú trong danh sách của Forbes, cùng nhiều người nổi tiếng, những kẻ lừa đảo, buôn ma túy, các thành viên gia đình hoàng gia và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo trên toàn thế giới.
Phần lớn dữ liệu trong hồ sơ của Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) được tạo ra trong giai đoạn 1996 – 2020, bao gồm nhiều vấn đề: thành lập công ty ma và quỹ tài chính, dùng các công cụ tài chính này để mua bất động sản, du thuyền, chuyên cơ và bảo hiểm nhân thọ, đầu tư và giao dịch giữa các tài khoản ngân hàng ẩn danh, quản lý tài sản và thừa kế, trốn thuế thông qua những cấu trúc tài chính phức tạp. Một số tài liệu còn liên quan hoạt động tội phạm tài chính như rửa tiền.
Những tài liệu rò rỉ này được gửi đến trụ sở ICIJ tại Washington D.C, Mỹ. Từ đó, ICIJ đã liên hệ và chia sẻ với 150 hãng truyền thông và tờ báo ở 117 nước, trong đó có những tên tuổi lớn như Guardian, Washington Post, Le Monde và BBC. Trong một nỗ lực hợp tác được coi là có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của các cơ quan báo chí trên toàn thế giới, hơn 600 nhà báo đã tập trung phân tích những tài liệu mật bị rò rỉ từ 14 công ty dịch vụ tài chính hoạt động ở ít nhất 38 khu vực pháp lý, tại những thiên đường thuế như Thụy Điển, Panama, Síp, Dubai, quần đảo British Virgin (Anh)…
Đằng sau ngành công nghiệp dịch vụ tài chính nước ngoài
Thông qua Hồ sơ Pandora, liên minh báo chí quốc tế tìm cách phơi bày mặt tối của thế giới tài chính thế giới, hé mở cánh cửa về guồng quay bí mật trong ngành dịch vụ tài chính ngước ngoài đang cho phép giới siêu giàu các nước giấu tài sản và trốn tránh trách nhiệm đóng góp cho xã hội.
Theo Washington Post, hệ thống dịch vụ tài chính nước ngoài cho phép người giàu trả tiền để thuê trung gian thành lập các chủ thể pháp lý (như công ty bình phong, quỹ ủy thác…) ở bên ngoài quốc gia họ sinh sống.
Những chủ thể trên sẽ đóng vai trò "giữ hộ" tài sản cho người giàu, qua đó giúp giữ bí mật danh tính người hưởng lợi từ tài sản ấy. Điều này giúp các khách hàng giàu có có thể che giấu tài sản khỏi sự giám sát của chính quyền, chủ nợ, và dĩ nhiên, cả sự giám sát của công chúng.
The Guardian khẳng định, bản thân việc chuyển tiền ra nước ngoài không phải là một hành vi bất hợp pháp, và một số người có những lý do chính đáng để làm điều này, ví dụ như để đảm bảo an ninh.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn các hoạt động nói trên có thể không vi phạm pháp luật, một bộ phận khác lại là phi pháp bởi tính chất bí mật của ngành công nghiệp này đặc biệt hấp dẫn đối với những đối tượng có hành vi lừa đảo, rửa tiền và trốn thuế. Hệ quả là, ngành công nghiệp dịch vụ tài chính nước ngoài đã phát triển theo cấp số nhân trong vài thập kỷ qua, với động lực chủ yếu đến từ các cá nhân và tập đoàn giàu có muốn tìm kiếm những cơ chế tinh vi để né thuế.
Bà Sherine Ebadi – cựu nhân viên FBI, người từng tham gia xử lý hàng chục vụ việc liên quan đến tội phạm tài chính cho biết: "Hệ thống dịch vụ tài chính nước ngoài là một vấn đề mà mọi người tuân thủ pháp luật trên khắp thế giới đều quan tâm".
Vị phó Giám đốc Điều hành tại Kroll – công ty tư vấn và điều tra doanh nghiệp này, đồng thời cũng nhấn mạnh đến vai trò của những tài khoản nước ngoài và quỹ tín thác bảo vệ tài sản trong các hoạt động buôn bán ma túy, tấn công bằng mã độc tống tiền, buôn bán vũ khí và những loại hình tội phạm khác. "Các hệ thống này không chỉ tạo điều kiện cho hoạt động gian lận thuế, mà còn làm hủy hoại cấu trúc của một xã hội tốt đẹp".
Theo The Guardian, các thiên đường thuế ước tính đã khiến chính quyền các nước thất thoát khoảng 400 - 800 tỷ USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân mỗi năm. Trong khi đó, khoản tiền này có thể được chi cho y tế, giáo dục hoặc phục vụ cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải carbon.
Mạng lưới Công bằng Thuế (Tax Justice Networks) nhận định, Vương quốc Anh là một trong những quốc gia thất thu thuế nhiều nhất trên thế giới do ngành công nghiệp dịch vụ tài chính nước ngoài, nhưng cũng đồng thời là nước hỗ trợ nhiều nhất cho ngành công nghiệp này. Hệ thống "mạng nhện" bao gồm những lãnh thổ phụ thuộc và hải ngoại của Anh, đã góp phần gây ra 1/3 tổng mức thất thu thuế toàn cầu.
Hồ sơ Pandora đồng thời cũng cho thấy Mỹ là một trong những thiên đường thuế "hút khách" hàng đầu thế giới. Dữ liệu từ đợt rò rỉ này cho thấy bang South Dakota là nơi cất giữ số của cải trị giá hàng tỷ USD có liên quan tới những cá nhân từng bị cáo buộc thực hiện tội phạm tài chính nghiêm trọng.
Những tác động từ vụ việc Hồ sơ Pandora
Trước đó, lần lượt vào năm 2016 và 2017, ICIJ cũng tiến hành hai cuộc điều tra gây chấn động khác đối với hai bộ dữ liệu bị rò rỉ có tên gọi Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise. Các vụ việc này đã thổi bùng lên những cuộc tranh luận toàn cầu về vấn đề đạo đức của ngành công nghiệp dịch vụ tài chính nước ngoài, đồng thời cũng giúp đưa đến cải cách thực chất ở một số nơi như quần đảo British Virgin. Hai lần rò rỉ nói trên còn giúp pháp luật được thực thi và cho phép chính quyền các nước thu hồi hơn 1,36 tỷ USD tiền thuế và tiền phạt.
Ông Gerard Ryle, Giám đốc ICIJ, cho rằng Hồ sơ Pandora sẽ có tác động lớn hơn những lần rò rỉ trước, đặc biệt là khi hồ sơ lần này xuất hiện giữa một đại dịch đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và buộc chính quyền các nước phải vay mượn khoản tiền lớn chưa từng thấy.
"Đây là phiên bản mạnh mẽ hơn của hồ sơ Panama. Nó rộng hơn, sâu sắc hơn, và có nhiều chi tiết hơn", ông Ryle nói.
Còn theo Guardian, Hồ sơ Pandora cũng sẽ điều tra hoạt động tài chính của những chính khách hàng đầu ở mức độ rõ ràng hơn mọi cuộc điều tra báo chí trước đó.
Tại châu Âu, Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades đang được yêu cầu giải thích lý do công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản của một tỷ phú Nga. Công ty này đã phủ nhận tất cả vi phạm. Về phía Tổng thống, ông phủ nhận có liên quan đến vụ việc và cho biết mình không còn xử lý các vấn đề của công ty kể từ năm 1997.
Ông Moonis Elahi, một bộ trưởng quan trọng trong chính phủ Pakistan, bị cho là đã liên hệ dịch vụ tài chính nước ngoài để hỗ trợ hoạt động đầu tư khoảng 33,7 triệu USD vào Singapore. Ngay sau thông tin này, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã lên tiếng tuyên bố, "sẽ điều tra tất cả các công dân nước này có liên quan hồ sơ".
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, người tự nhận là "kẻ thù của nạn tham nhũng", cũng đang đối mặt câu hỏi vì sao ông và gia đình giấu hơn 30 triệu USD trong các tài sản ngoại biên, gồm bất động sản tại London.
Trước đó, hồi năm 2016, vụ rò rỉ Hồ sơ Panama đã kéo theo hàng loạt cuộc điều tra của giới chức các nước, sự thông qua của nhiều quy định mới, và thậm chí là khiến nhiều quan chức cấp cao phải mất chức, trong đó có các thủ tướng Iceland và Pakistan.
Những thách thức trong việc kiểm soát nền tài chính ngầm
Tuy vậy, theo ông Gerald Ryle, giám đốc ICIJ, thông tin về sự liên quan của loạt chính trị gia các nước trong hệ thống tài chính nước ngoài cũng cho thấy những thách thức lớn trong việc kiểm soát nền kinh tế ngầm này. "Khi bạn thấy có những nhà lãnh đạo thế giới, các chính trị gia, quan chức nhà nước sử dụng các dịch vụ bí mật này, tôi không nghĩ rằng, chúng ta sẽ có thể sớm ngăn chặn chúng."
Bên cạnh đó, The Guardian cũng cho biết, sau các vụ Hồ sơ Panama và Hồ sơ Paradise, ngành dịch vụ tài chính nước ngoài đã tiến hành điều chỉnh một cách tinh vi hơn để thích ứng với tình hình mới.
Ví dụ như một số khách hàng của Mossack Fonseca, hãng luật từng đóng vai trò trung tâm trong lần rò rỉ Hồ sơ Panama năm 2016, đã chuyển tài sản từ Mossack Fonseca sang các công ty khác cùng ngành để né tránh nguy cơ bị giám sát.
Tương tự, một số văn bản được rò rỉ còn cho thấy nhiều nhân vật trong ngành đang cố gắng lách quy định mới về quyền riêng tư. Để ứng phó với những quy định mới tại quần đảo British Virgin, một luật sư người Thụy Sỹ đã từ chối nêu tên những người "khách hàng quan trọng" qua thư điện tử. Thay vào đó, vị luật sư viết tên khách hàng trong lá thư được vận chuyển qua đường hàng không, cùng lời căn dặn cẩn thận rằng không được xử lý tên khách hàng bằng bất cứ "hình thức điện tử" nào.
"Mục đích của phương thức này là để phù hợp với quy định của quần đảo British Virgin", vị luật sư người Thụy Sỹ viết. Liên hệ với trường hợp Mossack Fonseca, người này nhấn mạnh "các ông có trách nhiệm giữ bí mật cho khách hàng của chúng ta và không để xảy ra một vụ Hồ sơ Panama thứ hai".
Theo Vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()