Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:47 (GMT +7)
Hình tượng người thợ mỏ trong sáng tác của Nguyễn Sơn Hà
Chủ nhật, 30/10/2016 | 11:52:39 [GMT +7] A A
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà (1939-2000) quê ở Thanh Liêm, Hà Nam có nhiều năm công tác tại mỏ than Cọc Sáu (nay là Công ty CP Than Cọc Sáu). Từ vốn sống có được trong công việc hàng ngày, ông đã cầm bút viết văn liệu tả cuộc sống thợ mỏ khá sinh động. Ông viết về công nhân mỏ với những bước chuyển mới, tiếp cận một hiện thực mới hơn giai đoạn trước, đó là thời kỳ hậu chiến và trước thềm công cuộc đổi mới. Ở đó, những vấn đề của hoạt động sản xuất đã chuyển sang thời đại cơ khí hoá cao, đòi hỏi trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý phải nâng lên một tầm cao mới.
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà thuộc đội ngũ những người viết văn về đề tài người thợ mỏ và công nghiệp khai thác than từ đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Ngay từ đầu những năm 70 ông đã được biết đến với một số truyện ngắn hay trên báo chí Trung ương và các giải thương văn học như: Giải A về truyện ngắn của Tổng Công đoàn Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1971; giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ năm 1971. Gần như tất cả những sáng tác của ông đều viết về Vùng mỏ và những người thợ mỏ. Có thể kể ra các tác phẩm như: “Thời gian đang đi” (1983), “Giữa hai huyền thoại” (1988), “Gió tươi” (tập truyện ngắn, 1974), “Người mới đến” (tập truyện ngắn, 1984), “Dòng chữ cuối cùng” (tập truyện, 1987), “Chúa của muôn hoa” (tập truyện, 1992)... Chỉ tên tác phẩm thôi cũng đã gợi ra không gian Vùng mỏ: “Dưới chân núi Đục”, “Ở làng mỏ”, “Bãi thải”, “Xẻ tầng than”, “Cô công nhân và hai anh chàng máy xúc”...
Một số tác phẩm viết về thợ mỏ của Nguyễn Sơn Hà. |
Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Sơn Hà thường chọn bối cảnh để cho các nhân vật xuất hiện trong không gian của một mỏ than, một xóm thợ nào đó. Ở đó, hàng loạt những khó khăn được đặt ra, những chướng ngại vật cần phải gạt bỏ để có thể đưa sản lượng khai thác than tăng cao. Cũng từ đây, chân dung những người thợ làm than đã nổi bật lên. Trong đó, nhân vật trung tâm là những công nhân mỏ ở tuổi thanh niên, có trình độ chuyên môn, được đào tạo bài bản để vượt qua những khó khăn thử thách trong công việc như: Hoàng, Kim, Vóc, Duyên trong “Thời gian đang đi”. Đó còn là anh thợ máy Tài Anh trong “Ở làng mỏ” hay Hảo trong “Kết luận từ năm tháng”, là Thân trong “Gió tươi”...
Nhà văn Nguyễn Sơn Hà khác Võ Huy Tâm ở chỗ không quá chú tâm vào miêu tả ngoại hình nhân vật mà ông đi sâu khai thác diễn biến tâm lý của những nhân vật thợ mỏ. Vì thế, nhân vật của ông có tâm lý, tính cách phức tạp, đa tuyến. Đến Nguyễn Sơn Hà, mẫu hình nhân vật nguyên phiến đã ít đi, đồng thời xuất hiện nhiều nhân vật hai mặt, phân mảnh. Hệ thống nhân vật người thợ mỏ của Nguyễn Sơn Hà gồm nhiều thế hệ kế cận, vừa là một tập hợp gắn kết lại, vừa có sự phân hoá với những nét tính cách rất khác nhau.
Nhân vật trung tâm của Nguyễn Sơn Hà vượt qua khó khăn không phải bằng nhiệt tình cách mạng như kiểu của Võ Huy Tâm mà bằng thực tiễn, bằng khoa học kỹ thuật. Nhìn chung, nhân vật của Nguyễn Sơn Hà có tính cách và số phận phức tạp, xuất hiện nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu mới về lao động sản xuất, để cải thiện đời sống vật chất và hoàn thiện nhân cách con người. Kỹ sư Hảo trong “Kết luận từ năm tháng” đến với vùng đất toàn bụi mỏ và đã chữa được bệnh lý thuyết suông, Giang và Trung trong “Bụi mỏ” đến đây để vượt qua thử thách tình yêu và đã tìm được hạnh phúc, Hắc trong “Gió tươi” đã bỏ được căn bệnh bảo thủ, chỉ tin vào kinh nghiệm...
Đúng là cuộc sống ở Vùng mỏ đã chữa lành những vết thương lòng của người thợ như Lầm: “Đùng một cái, vợ anh bị chết bom, để lại mụn con gái. Từ đấy, Lầm sống lầm lì, tâm trí dồn cả vào tay lái, tình yêu dồn cả vào máy xúc. Gầu xúc và tầng than là nguồn vui vô tận. Chỉ lúc tay gầu vờn vào gương than anh ánh nắng trời, bạn bè mới thấy nét mặt Lầm tươi lại” (Xẻ tầng than).
Lối hành văn của Nguyễn Sơn Hà thường kiệm lời, thỉnh thoảng buông ra những câu nhận xét ngắn gọn. Chỉ bằng vài nét phác hoạ, nhà văn đã vẽ ra nhân vật bí thư Sơn từng là thợ mỏ: “Đôi mắt một mí hơi sâu chứng tỏ ông không đến nỗi hời hợt. Trán vuông, cao nhưng không hói, vậy thì ông thông minh. Đặc biệt là tròng mắt vàng vàng, đen đỏ, lòng đen màu than, đôi mắt bộc trực nhìn thẳng của ông làm Hoàng có cảm tình. Đúng ông trước kia là thợ lò. Bố mình cũng làm lò nên cũng có cái nhìn như thiếu ngủ ấy” (Thời gian đang đi).
Hay như khi viết về Sơn, nhà văn có những câu miêu tả diễn biến tâm trạng nhân vật này rất xúc động: “Thế là mình đã trở lại Vùng mỏ (bí thư Sơn nghĩ) tuy không là nơi chôn rau cắt rốn nhưng là nơi mình đã làm nhau than từ bé. Mình đã ngửi mùi than. Ai dám bảo than không có hương vị? Ở trong lò than say say cùng với mùi gỗ mục. Ở trên tầng, than bát ngát một hương gì lạ lắm, vừa như không lại vừa như có, mà ngây ngất lòng người. Bụi mỏ cuốn cao vàng xám làm cho trời mỏ có màu sắc hơn bất cứ nơi nào” (Thời gian đang đi).
Nguyễn Sơn Hà hay đưa vào tiểu thuyết của mình những ngôn ngữ của dân làm kỹ thuật và ông góp phần làm lan toả thứ ngôn ngữ của thợ mỏ ra đời sống xã hội. Chắc chắn chỉ những người trong cuộc, viết văn bằng chính vốn sống quý giá của mình mới làm được điều đó
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()