Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 13:20 (GMT +7)
Hình thức xử lý đối với người tiêu tiền người khác chuyển nhầm
Chủ nhật, 06/08/2023 | 08:07:40 [GMT +7] A A
Nếu người nhận tiền do người khác chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng của mình, sau đó cố tình tiêu số tiền đó thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Trả lời những thắc mắc của công dân liên quan đến vấn đề tiêu tiền của người chuyển khoản nhầm, Bộ Công an khuyến cáo, khi một người nhận được tiền do người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình (được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật, làm cho người khác bị thiệt hại) thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015.
Trường hợp không biết thông tin người chuyển tiền nhầm thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
- Theo điểm đ khoản 2 điều 15 nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31.12.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội:
Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
- Theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Trên thực tế, để xử lý trường hợp người nhận tiền không trả lại tiền cho người chuyển nhầm, toà án (trong trường hợp khởi kiện) hoặc cơ quan công an có quyết định, ngân hàng sẽ thực hiện ngay giao dịch hoàn trả tiền vào tài khoản của người chuyển tiền nhầm.
Quy trình này tuân theo quy định của luật nhằm tránh các trường hợp cố tình gian lận, đặc biệt trong gian lận thương mại. Cụ thể, sau khi bên bán xác nhận đã nhận tiền và giao hàng, người mua có thể gian lận bằng cách báo ngân hàng chuyển khoản nhầm và đòi ngân hàng hoàn tiền. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trường hợp lừa đảo thường sử dụng chiêu trò chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa cho vay nặng lãi hoặc đánh cắp thông tin cá nhân để chiếm đoạt tiền trong tài khoản...
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()