Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:50 (GMT +7)
Hình ảnh đầu tiên chỉ ra sự khác biệt giữa hai biến thế Omicron và Delta
Chủ nhật, 28/11/2021 | 19:18:25 [GMT +7] A A
Các nhà khoa học Italy đã công bố một hình ảnh so sánh các loại đột biến của “siêu biến thể” Omicron mới và biến thể Delta đang thống trị số ca COVID-19 toàn cầu.
Kênh truyền hình RT đưa tin trong bối cảnh làn sóng lây nhiễm mới nhất do biến thể Delta gây ra vẫn đang đè nặng lên hệ thống y tế của hàng loạt quốc gia, biến thể Omicron, hay B.1.1.529, được cho là có nguồn gốc tại Nam Phi đã nhanh chóng gây báo động ở nhiều nước trên thế giới.
Do bệnh viện Bambino Gesu ở Italy công bố ngày 27/11, bản vẽ mô tả về biến thể mới đã so sánh giữa Omicron và Delta - một trong những chủng nguy hại nhất của virus SARS-CoV-2.
Biến thể Omicron có nhiều đột biến hơn so với Delta, đặc biệt là ở các khu vực tương tác trực tiếp với tế bào người. Các vị trí của đột biến được đánh dấu bằng màu đỏ trong hình ảnh. “Đây là một bức ảnh theo nghĩa rất rộng. Nó là mô hình được thực hiện trong phòng thí nghiệm”, đại diện của bệnh viện Bambino Gesu cho biết.
Các nhà khoa học lưu ý rằng những biến đổi này cho thấy virus có thể đã trở nên thích nghi tốt với con người. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói liệu những đột biến này khi kết hợp với nhau có thực sự khiến Omicron trở nên nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đó của COVID-19 hay không.
Ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức phân loại Omicron là một biến thể đáng lo ngại. Chủng virus này được phát hiện lần đầu tiên tại Botswana cách đây ít ngày. Nó được cho là đã đánh bại các biến thể khác trở thành chủng chiếm phần lớn số ca mắc COVID-19 mới tại một vùng của Nam Phi.
Đáng chú ý, Omicron đã lây lan ra khỏi phạm vi châu Phi, với việc giới chức Hong Kong (Trung Quốc), Israel, Bỉ, Đức và Anh đều báo cáo về những ca nhiễm đầu tiên.
Sự xuất hiện của biến thể có nhiều đột biến nhất từ trước đến nay đã dẫn đến hàng loạt biện pháp phòng dịch mới. Toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đều đã dừng đường bay đến 7 nước Nam Phi. Những quốc gia ngoài khối này, trong đó có Mỹ và Anh, cũng áp dụng lệnh giới hạn tương tự. Israel đã nhanh tay áp đặt lệnh cấm nghiêm ngặt nhất thế giới hiện nay khi cấm toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia Trung Đông này.
Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó hơn 30 đột biến nằm ở protein gai, khiến nó khác biệt hẳn so với virus gốc. Các nhà khoa học gọi đó là chùm đột biến bất thường khi Omicron có các đột biến nguy hiểm nhất của tất cả các biến thể từ trước tới nay.
Trước đó, các hãng tin địa phương ngày 25/11 cho hay kết quả xét nghiệm tại Nam Phi ghi nhận 2.500 ca nhiễm mới, tăng mạnh so với mức trung bình 580 ca/ngày một tuần trước đó. Các mẫu xét nghiệm cho thấy phần lớn trong số này là do biến thể mới gây ra.
Hiện chưa rõ địa điểm khởi phát của siêu biến thể này, nhưng ca đầu tiên được xác định ở Nam Phi là tại tỉnh Gauteng, một trung tâm kinh tế lớn, đồng thời cũng là tỉnh ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trong những ngày gần đây. Năm ngoái, Nam Phi là nước đầu tiên đã phát hiện biến thể Beta mặc dù cho đến nay số ca mắc COVID-19 chủ yếu do biến thể Delta gây ra.
Theo WHO, sẽ phải mất vài tuần để tìm hiểu xem liệu các đột biến mới được phát hiện có làm cho virus trở nên độc hại hơn hoặc có khả năng lây truyền mạnh hơn hay không.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()