Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:36 (GMT +7)
Hiểu về tính hiệu lực, hiệu quả và khả năng bảo vệ của vắc xin
Thứ 3, 20/07/2021 | 15:25:28 [GMT +7] A A
Vắc xin COVID-19 đã được chứng minh là an toàn, hiệu quả và có thể cứu sống nhiều người trong đại dịch. Giống như tất cả các loại vắc-xin khác, chúng không bảo vệ hoàn toàn cho tất cả những người được tiêm. Vì vậy, cùng với việc chủng ngừa, chúng ta vẫn phải tiếp tục các biện pháp khác để chống lại đại dịch.
Sự khác biệt giữa hiệu lực và tính hiệu quả của vắc xin
Tất cả các vắc xin COVID-19 được WHO phê duyệt đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, đều đã được thông qua các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để kiểm tra chất lượng, độ an toàn và hiệu quả. Để được chấp thuận, vắc xin bắt buộc phải có tỷ lệ hiệu lực cao từ 50% trở lên. Sau khi được phê duyệt, chúng tiếp tục được theo dõi về tính an toàn và hiệu quả liên tục. Nhưng sự khác biệt giữa hiệu lực và tính hiệu quả là gì?
Hiệu lực của vắc-xin được đo lường trong một thử nghiệm lâm sàng có kiểm soát và dựa trên số lượng người đã tiêm vắc-xin có được "kết quả mong đợi" (thường là về bệnh) so với số người dùng giả dược đạt được kết quả này. Sau khi nghiên cứu hoàn tất, số lượng người bị bệnh trong mỗi nhóm sẽ được so sánh để tính toán nguy cơ mắc bệnh tương đối tùy thuộc vào việc người bệnh có được tiêm vắc xin hay không. Từ đó ta tính được hiệu lực của vắc xin – là thước đo mức độ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh của vắc xin. Nếu một loại vắc-xin có hiệu lực cao, sẽ có rất ít người trong nhóm được tiêm vắc-xin bị bệnh so với những người trong nhóm dùng giả dược.
Vì vậy, hãy tưởng tượng một loại vắc-xin có hiệu lực đã được chứng minh là 80%. Điều này có nghĩa là - trong số những bệnh nhân thử nghiệm lâm sàng - những người được tiêm vắc-xin có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn 80% so với nhóm sử dụng giả dược. Điều này được tính toán bằng cách so sánh số trường hợp mắc bệnh trong nhóm được tiêm chủng so với nhóm dùng giả dược. Hiệu lực 80% không có nghĩa là 20% nhóm tiêm chủng sẽ bị bệnh.
Tính hiệu quả của vắc xin là thước đo hiệu quả hoạt động của vắc xin trong thực tế. Các thử nghiệm lâm sàng bao gồm nhiều đối tượng – với phổ độ tuổi rộng, bao gồm các giới tính, dân tộc khác nhau và những người có bệnh nền - nhưng chúng không thể là đại diện hoàn hảo cho toàn bộ dân số.
Hiệu lực được thấy trong các thử nghiệm lâm sàng chỉ áp dụng cho thử nghiệm lâm sàng đó. Tính hiệu quả được đo lường bằng cách quan sát hiệu quả hoạt động của vắc xin để bảo vệ cộng đồng nói chung. Hiệu quả trong thực tế có thể khác với hiệu lực đo được trong một cuộc thử nghiệm, bởi vì chúng ta không thể dự đoán chính xác mức độ hiệu quả của việc tiêm chủng đối với một nhóm dân số lớn và đa dạng được tiêm chủng trong điều kiện khác với trong phòng thí nghiệm.
Khả năng bảo vệ của vắc xin và thời gian tiêm
Vắc xin có thể bảo vệ cơ thể rất tốt, nhưng sự bảo vệ đó cần có thời gian để xây dựng. Mọi người phải tiêm đủ các liều cần thiết để xây dựng khả năng miễn dịch đầy đủ. Đối với vắc xin hai liều, vắc xin chỉ bảo vệ một phần sau liều đầu tiên, và liều thứ hai làm tăng khả năng bảo vệ đó. Sự bảo vệ của vắc xin đạt đến mức tối đa khoảng vài tuần sau liều thứ hai. Đối với vắc-xin một liều, mọi người sẽ có khả năng miễn dịch tối đa chống lại COVID-19 vài tuần sau khi chủng ngừa.
Khả năng bảo vệ của vắc xin và sự nhiễm bệnh
Vắc xin có thể ngăn hầu hết mọi người khỏi bị mắc COVID-19, nhưng không phải tất cả mọi người.
Ngay cả sau khi một người tiêm đủ tất cả các liều và đợi một vài tuần để hình thành khả năng miễn dịch, vẫn có khả năng họ bị nhiễm bệnh. Vắc-xin không cung cấp khả năng bảo vệ hoàn toàn (100%), do đó, “ca nhiễm đột phá” – tình trạng bệnh nhân nhiễm vi-rút mặc dù đã được tiêm chủng đầy đủ - sẽ xảy ra.
Nếu người được tiêm chủng bị bệnh, họ có thể có các triệu chứng nhẹ hơn, nói chung rất hiếm khi người được tiêm chủng bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Khả năng bảo vệ của vắc xin và sự lây truyền bệnh
Vắc xin COVID-19 là công cụ quan trọng trong ứng phó với đại dịch và bảo vệ chống lại các ca bệnh nghiêm trọng và tử vong. Vắc xin ít nhất sẽ bảo vệ cơ thể ở một mức độ nào đó khỏi việc nhiễm bệnh và lây truyền bệnh cho người khác, nhưng không nhiều bằng khả năng chúng bảo vệ cơ thể chống lại việc bệnh tiến triển nghiêm trọng và tử vong. Chúng ta cần thêm bằng chứng để xác định chính xác mức độ ngăn chặn sự nhiễm bệnh và lây truyền của chúng.
Sau khi được chủng ngừa, chúng ta nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa đơn giản, chẳng hạn như giữ khoảng cách với người khác, đeo khẩu trang, giữ phòng thông thoáng, tránh nơi đông người, rửa tay và ho vào khuỷu tay hoặc khăn giấy. Hãy đi xét nghiệm nếu bạn bị ốm, ngay cả khi bạn đã được tiêm phòng. Thường xuyên kiểm tra các thông báo của địa phương nơi bạn sống và làm việc.
Khả năng bảo vệ của vắc xin và các biến chủng
Khi các ca bệnh gia tăng và tốc độ lây truyền nhanh hơn, nhiều khả năng các biến thể mới nguy hiểm và dễ lây lan hơn sẽ xuất hiện, có thể dễ dàng lây lan hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn.
Dựa trên những gì chúng ta biết cho đến nay, vắc xin đang chứng minh hiệu quả chống lại các biến thể hiện có, đặc biệt là ngăn ngừa các ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong. Tuy nhiên, một số biến thể đang có tác động đến khả năng bảo vệ chống lại các ca bệnh nhẹ của vắc xin.
Vắc xin có khả năng duy trì hiệu quả chống lại các biến thể nhờ phản ứng miễn dịch phổ rộng mà chúng gây ra, có nghĩa là những thay đổi hoặc đột biến của vi rút không có khả năng làm cho vắc xin hoàn toàn mất tác dụng. WHO vẫn đang tiếp tục liên tục xem xét các bằng chứng và sẽ cập nhật hướng dẫn khi họ có thêm thông tin.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()