Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:20 (GMT +7)
Hiệu ứng cánh bướm trong công nghiệp biểu diễn
Thứ 7, 25/01/2025 | 19:02:48 [GMT +7] A A
Hàng loạt concert khuynh đảo thị trường biểu diễn cuối năm với tốc độ bán vé lịch sử đã cho thấy tín hiệu của “hiệu ứng cánh bướm” trong công nghiệp biểu diễn.
Hiệu ứng cánh bướm
Hiệu ứng cánh bướm (Butterfly Effect) được định nghĩa là những sự kiện nhỏ tưởng như ít tác động nhưng cuối cùng có thể dẫn đến kết quả khó lường, lớn hơn nhiều so với dự tính.
So sánh thật dễ hiểu, “hiệu ứng cánh bướm” là phép ẩn dụ, ở đó miêu tả sự chuyển động trên những cánh bướm nhỏ bé giữa rừng già nhưng có thể tạo ra chuỗi biến động liên hoàn khiến môi trường thay đổi, từ đó dẫn đến hình thành một cơn bão lớn.
Ví von dưới hệ quy chiếu ấy, chúng ta có thể nhìn thấy “hiệu ứng cánh bướm” trong ngành công nghiệp biểu diễn.
Kpop – đang là một đế chế hùng mạnh bậc nhất thế giới, nơi sản sinh là những nhóm nhạc có thể gây bão toàn cầu, tạo sức ảnh hưởng rộng rãi khắp thế giới.
Ngành công nghiệp Kpop được bắt đầu từ một “cánh bướm” rất bé nhỏ, đó là nhóm nhạc nam Seo Taiji and Boys, họ được thành lập với một công thức ngẫu nhiên năm 1992.
Seo Taiji and Boys khi ra mắt đã trở thành hiện tượng kỳ lạ trong mắt khán giả Hàn. Trước đó người Hàn ít nghe rap và hầu như không có nhóm nhạc biểu diễn với những trang phục xanh đỏ lòe loẹt, vừa hát, vừa nhảy, lại vừa như đang nói (rap). Nhóm nhạc ra đời theo công thức mới lạ khi ca sĩ kết hợp với vũ công, họ cũng trình diễn theo phong cách chưa từng có.
Từ công thức của Seo Taiji and Boys, một đế chế công nghiệp tỉ USD đã ra đời. Kpop là hệ thống bài bản, chuyên nghiệp cho những nhóm nhạc biết hát, rap và trình diễn vũ đạo điêu luyện.
Viện Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc cho biết, giới chuyên gia ước tính mỗi concert của nhóm nhạc BTS tổ chức có thể đem lại 500-984 triệu USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.
Concert của BTS, Blackpink hay bất cứ nhóm nhạc nổi tiếng nào đều mang lại nguồn lợi khổng lồ cho rất nhiều ngành nghề, từ du lịch, mỹ phẩm, thời trang đến các mặt hàng kinh doanh của chính công ty quản lý các nhóm nhạc.
“Giấc mơ hồ điệp” ở thị trường biểu diễn Việt Nam
Những tưởng, sức mạnh của Kpop đã “thao túng” số đông khán giả Việt, cho đến khi loạt chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc được lên sóng năm 2024.
Thời gian khởi động để lên sóng, "cánh bướm" "Anh trai say hi" gần như không được chú ý. "Anh trai vượt ngàn chông gai" cũng gặp vô số “chông gai”, từng không có được sức hút như kỳ vọng bởi quy tụ dàn nghệ sĩ đã qua thời đỉnh cao sự nghiệp.
Qua từng tập lên sóng, qua những vòng trình diễn sân khấu (livestage) sức mạnh của những người đàn ông đẹp trai, biết hát, rap và trình diễn vũ đạo chuyên nghiệp dần dần bắt đầu phơi lộ, tạo được sức hút, và trở thành “cơn bão” ở chặng cuối lên sóng.
Với công thức gần giống Kpop, khi đầu tư cho sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những nghệ sĩ có ngoại hình, tài năng, hỗ trợ nhau trong trình diễn nhóm đã mang đến sức hút khó lường cho 2 chương trình Anh trai.
Theo ông Nguyễn Xuân An - Giám đốc truyền thông của "Anh trai vượt ngàn chông gai" chia sẻ với Lao Động, họ đã phải cần đến nguồn nhân lực khổng lồ để sản xuất chương trình trong hơn 3 tháng lên sóng. Riêng với concert, họ cần đến hơn 1.000 nhân sự để tổ chức.
Từ “cánh bướm” được ươm mầm qua truyền hình thực tế, hàng loạt concert thu hút 20.000-30.000 khán giả đã được tổ chức liên tục tại TPHCM và Hà Nội vào cuối năm 2024, tạo nên hiện tượng chưa từng có ở nhạc Việt.
Khán giả Việt xưa nay vốn chỉ quen với những liveshow nhỏ giọt, mỗi năm chỉ vài nghệ sĩ đếm trên đầu ngón tay dám làm concert, bởi tình trạng thua lỗ, ế vé.
Phải đến năm 2024, đặc biệt những tháng cuối năm, truyền thông liên tục chứng kiến những màn săn vé chưa từng có khi loạt concert tổ chức tại Hà Nội. Liên tiếp là những cuộc mở bán “cháy vé”, sập web, tắc nghẽn người mua trong 40 phút. Vé chợ đen gây sốt suốt quãng thời gian Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai chuẩn bị cho concert tháng 12.
Sự đầu tư từ truyền hình thực tế giống như “cánh bướm” được thay đổi trong “nhịp đập cánh” của format dàn dựng đã tạo nên những hiện tượng chưa từng có ở thị trường biểu diễn năm 2024.
Giới chuyên gia đặt kỳ vọng vào ngành công nghiệp biểu diễn khi nhiều tín hiệu tích cực đã được nuôi lớn. Trong 12 ngành chủ lực của Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có khối ngành nghệ thuật biểu diễn (gồm âm nhạc, xiếc, múa...).
Nói như nhạc sĩ Quốc Trung: “Để có được công nghiệp biểu diễn như KPop cần đến rất nhiều yếu tố, từ sự đầu tư của doanh nghiệp đến cơ chế hỗ trợ, nhu cầu thị trường, thị hiếu khán giả... Trên tất cả, đó sự đồng lòng, chăm chỉ, nỗ lực và tham vọng bước ra toàn cầu của nghệ sĩ”.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()