Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:28 (GMT +7)
Hiểu thêm về việc tiêm vắc-xin cho trẻ
Thứ 3, 07/09/2021 | 12:19:34 [GMT +7] A A
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa đề xuất UBND TP HCM có kế hoạch tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 và mũi 2 cho học sinh từ 12-18 tuổi trước khi kết thúc học kỳ I.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bất kỳ trẻ nào cũng có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm khi trở lại nhập học (từ nguy cơ tiếp xúc với các trẻ khác và thầy cô). Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc-xin thường quy.
Chỉ có một chống chỉ định
Để học sinh trở lại học tập trực tiếp tại trường vào học kỳ II, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề xuất UBND TP tổ chức tiêm vắc-xin mũi 1 và mũi 2 cho toàn bộ học sinh từ 12-18 tuổi với nguồn vắc-xin cho phép trong độ tuổi này, trước khi kết thúc học kỳ I (số lượng học sinh từ 12-18 tuổi năm học 2021-2022 tại TP HCM là 642.459 học sinh).
Theo PGS Đỗ Văn Dũng, để giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cho trẻ, nhà trường cần tạo điều kiện cho thầy cô tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, giữ phòng học thông thoáng, khử khuẩn vật dụng, giãn cách trong trường và lớp. Phụ huynh và thầy cô hướng dẫn trẻ tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay và khử khuẩn. "Cần ưu tiên tiêm vắc-xin cho đối tượng là người lớn, người có nguy cơ cao để họ đạt miễn dịch, sau đó mới tiêm đến trẻ. Trước khi tiêm, trẻ cần khai báo y tế để được tư vấn là có thể tiêm ngay lúc này hay cần trì hoãn và nên tiêm tại cộng đồng hay tại cơ sở y tế. Đối với các vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em hiện nay hầu như chỉ có một chống chỉ định là bị dị ứng với vắc-xin đó" - PGS Đỗ Văn Dũng cho biết.
Theo các chuyên gia, phụ huynh cần lưu ý những phản ứng sau tiêm của trẻ, các biểu hiện của tác dụng phụ như sốt kéo dài trên 48 giờ, đau ngực, khó thở.
Sau tiêm, phụ huynh cần theo dõi, nếu trẻ bị sốt, nhức đầu thì dùng thuốc giảm đau hạ sốt liều phù hợp với cân nặng của trẻ. Nếu trẻ bị mệt thì cho nghỉ ngơi. Có thể có triệu chứng sưng hạch lymphô nhưng rất hiếm (<1%) và thường tự khỏi sau 1-2 tuần.
Dựa trên đánh giá nguy cơ
PGS Đỗ Văn Dũng cho biết việc quyết định tiêm hay không tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em (và với bất kỳ đối tượng nào) sẽ dựa trên đánh giá nguy cơ và lợi ích về sức khỏe của việc tiêm vắc-xin cho đối tượng đó.
Đối với người cao tuổi, người trưởng thành, lợi ích của tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cao hơn so với nguy cơ. Tuy nhiên, đối với trẻ em hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trên trẻ em không phải là ưu tiên, do trẻ có tỉ lệ diễn tiến bệnh nặng thấp so với người lớn.
Hiện nay, tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em trên 12 tuổi đang được tiến hành tại Mỹ, Israel, Singapore với vắc-xin Pfizer; tại Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất với vắc-xin Sinopharm. Tại Anh chỉ tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi bị các bệnh nền như Down, bại não, ung thư gây suy giảm miễn dịch.
Một nghiên cứu khảo sát trên 2.260 trẻ em tại Mỹ cho thấy sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, hiệu giá kháng thể trung hòa gia tăng, hiệu lực bảo vệ là 100%. Một nghiên cứu khác ghi nhận trong số 1.129 trẻ không được tiêm, chỉ 16 trẻ mắc Covid-19 và không có trẻ nào bị bệnh nặng.
Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu, đánh giá về lợi ích của tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở trẻ em hiện vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, các biện pháp phòng ngừa bằng đeo khẩu trang, giãn cách xã hội được xem là một trong những biện pháp phòng chống Covid-19 có hiệu quả.
Theo nld.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()