Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:06 (GMT +7)
Hiệu quả từ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Thứ 5, 23/12/2021 | 14:11:58 [GMT +7] A A
Cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, việc ứng dụng máy móc, thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương trong tỉnh chú trọng triển khai. Qua đó, góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và bền vững.
Để chuẩn bị cho vụ đông xuân tới đây, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp TX Đông Triều đã nhập về 2 thiết bị bay điều khiển từ xa để triển khai dịch vụ bay phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tại các diện tích gieo trồng trên địa bàn thị xã. Theo ông Bùi Văn Hanh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp Đông Triều, nếu phun thuốc BVTV theo cách thông thường người nông dân vẫn làm sẽ phải sử dụng từ 400-600 lít thuốc, nước cho 1ha cây trồng, trong khi phun bằng thiết bị bay chỉ mất 18 lít. Cùng với đó, chi phí bay phun dịch vụ chỉ ở mức 25.000 đồng/sào so với 60.000-100.000 đồng/sào so với trước. Đây là mức chi phí rất tiết kiệm, độ bám dính của thuốc BVTV cao, đảm bảo hiệu suất phòng trừ sâu bệnh, thời gian phun nhanh do vậy có thể bao vây, dập dịch trong thời gian ngắn (10-15 phút/ha) và có thể phun cả ngày lẫn đêm.
Theo kế hoạch trong vụ này trung tâm sẽ trình diễn sử dụng thiết bị bay phun thuốc BVTV tại các xã, phường: Bình Dương, Hưng Đạo, Việt Dân và Hồng Thái Đông với cả cây lúa và cây ăn quả. Ngoài phun thuốc BVTV, thiết bị bay còn có thể ứng dụng trong việc gieo xạ, phun phòng dịch đối với các diện tích cây lâm nghiệp, phun phòng dịch khu dân cư.
Cùng với mô hình thiết bị bay phun thuốc BVTV, thời gian qua TX Đông Triều có nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, như: Khuyến khích các HTX, hộ dân đầu tư các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất để phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, thị xã; tích cực dồn điền đổi thửa; liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất... Theo thống kê của thị xã, đến nay trên địa bàn thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 100%, khâu thu hoạch đạt trên 80%. Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện đúng lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả sản xuất. Các biện pháp thâm canh sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng đã giảm được 15% chi phí, năng suất mùa vụ của huyện cũng tăng từ 10-15%.
Tương tự, tại huyện Bình Liêu để đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, bên cạnh chính sách hỗ trợ bằng các nguồn vốn 135, xây dựng nông thôn mới, huyện đã tạo mọi điều kiện, cơ chế khuyến khích tập thể, cá nhân vay vốn mua sắm máy móc áp dụng vào sản xuất. Qua đó, mở rộng diện tích, tạo vùng sản xuất ổn định, góp phần tăng năng suất cây trồng, từng bước cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, cho biết: Việc canh tác theo kiểu truyền thống ở Bình Liêu đến nay hầu như không còn. Hiện người dân đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là đối với khâu làm đất, với tỷ lệ cơ giới hóa chiếm 90%, khâu thu hoạch trên 30%. Việc sử dụng các loại máy móc góp phần bảo đảm gieo trồng, thu hoạch đúng thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân. Đến nay, toàn huyện Bình Liêu có trên 500 máy kéo; trên 1.000 máy xới đất, máy cày các loại; 9 máy gặt lúa rải hàng và gặt đập liên hợp; trên 200 máy tuốt lúa có động cơ. Các xã có tỷ lệ sử dụng máy nông nghiệp cao là Vô Ngại, Lục Hồn, Đồng Tâm, Hoành Mô…
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tốc độ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tương đối cao, bước đầu tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Với việc tiếp cận KHKT và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã chủ động hỗ trợ phát triển sản phẩm có lợi thế; chỉ đạo bố trí nguồn lực tập trung, tăng hỗ trợ lãi suất, máy móc, nhà xưởng, thiết bị sản xuất, hạ tầng vùng sản xuất tập trung... qua đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 7.000 máy làm đất các loại, đáp ứng 90% diện tích canh tác; trên 2.500 máy tuốt đập; 3.000 máy xay xát đáp ứng trên 95% nhu cầu sản xuất; trên 700 máy gieo sạ, đáp ứng khoảng 40% diện tích cấy lúa...
Cùng với cơ giới hóa trong các khâu làm đất và thu hoạch, cơ giới hóa các khâu sản xuất và chế biến nông sản cũng đang được tỉnh tập trung đẩy mạnh. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Toàn tỉnh, hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản. Qua việc đầu tư khoa học - công nghệ, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt, nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh đã vươn ra các thị trường lớn trong nước, như: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau, củ, quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều)...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()