Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:12 (GMT +7)
Hiệu quả từ thực hiện tốt công tác hòa giải cơ sở
Thứ 3, 29/10/2024 | 09:11:58 [GMT +7] A A
Công tác hòa giải cơ sở ở các địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, hải đảo của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng hoạt động của Tổ hòa giải và hòa giải viên được nâng lên, qua đó, giải quyết kịp thời tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống ở khu dân cư, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.
Được Trung ương và tỉnh quan tâm, nhiều dự án hạ tầng mang tính động lực đã được đầu tư tại Vân Đồn. Theo đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên trong quá trình phát triển nhanh cũng nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.
Với phương châm giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện Vân Đồn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác hòa giải. Đến nay, toàn huyện có 72 Tổ hòa giải, có 445 hòa giải viên, nam 257 nữ 188, dân tộc Kinh 381 người, dân tộc thiểu số 64 người, trình độ chuyên môn luật 5 người.
Các hòa giải viên thường xuyên được tiếp cận kiến thức pháp luật mới, vận dụng vào thực tiễn giúp cho hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm 2024 toàn huyện Vân Đồn đã phát sinh 6 vụ mâu thuẫn, tranh chấp ở khu dân cư và tất cả các vụ việc này đều được hòa giải thành công. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã kịp thời “chữa lành” những vết “rạn” tình làng nghĩa xóm. Bà Lê Thị Trường, Tổ trưởng Tổ Hòa giải thôn Đông Sơn, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn cho biết: Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả, mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, chia sẻ: Đội ngũ làm công tác hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng, vì vậy, huyện Vân Đồn lựa chọn nhân sự phải là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, am hiểu pháp luật và là đảng viên. Vì vậy, trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Vân Đồn đã mang lại hiệu quả tích cực, nhân dân đoàn kết, hòa thuận.
Cũng như huyện Vân Đồn, công tác hòa giải ở cơ sở huyện Đầm Hà luôn được quan tâm, xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng. Là huyện miền núi gồm 9 dân tộc sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc chiếm 30%. Huyện có tiềm năng phát triển kinh tế toàn diện, song thực tế xuất phát điểm phát triển kinh tế còn thấp, một bộ phận dân cư vẫn còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; hiểu biết về pháp luật còn chưa đồng đều. Những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư vẫn thường xuyên xảy ra. Vì vậy công tác hòa giải ở cơ sở được xem là chìa khóa nhằm tháo gỡ những tranh chấp phát sinh, ổn định tình hình nhân dân.
Toàn huyện Đầm Hà sau khi sắp xếp lại các thôn, bản, khu phố, UBND các xã, thị trấn đã tổ chức kiện toàn lại các thành viên tổ hòa giải, hiện trên địa bàn huyện có 70 tổ hòa giải, với 368 hòa giải viên (trong đó: 254 nam, 114 nữ). Từ năm 2023 đến nay, các tổ hòa giải đã thực hiện thành công 21 vụ việc, trong đó liên quan đến đất đai là 14 vụ, chiếm 66%, còn lại là những vụ việc nhỏ phát sinh trong cuộc sống ở khu dân cư.x
Thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy, phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên là điểm mấu chốt giúp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư. Vì vậy việc nâng cao năng lực cho người làm công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Tư pháp đã tham mưu cho tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện; tích cực hướng dẫn chuyên môn cho các địa phương trong công tác quản lý, theo dõi, kiện toàn tổ chức.
Ông Nguyễn Chính Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trên cơ sở văn bản chỉ đạo của Trung ương, Sở Tư pháp kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh ban hành văn bản, kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện. Sở chủ động, nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ, tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện đảm bảo kế hoạch, tiến độ đề ra. Theo đó, Sở đã xây dựng kế hoạch tập huấn, triển khai các hoạt động chỉ đạo điểm về công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể, tập trung vào các nội dung như: Kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; Xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở; Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở; tập huấn, xây dựng tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; Xây dựng và triển khai mô hình “Cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”; Hỗ trợ pháp lý, kỹ năng thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp tài sản có giá trị lớn và các vi phạm pháp luật thuộc trường hợp được hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự... Những hoạt động này nhằm củng cố đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, đảm bảo họ có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Với mục tiêu, kế hoạch rõ ràng, tin rằng thời gian tới hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục được nâng cao về chất lượng, tổ chức và hoạt động ngày một đi vào nền nếp, có hiệu quả.
Có thể khẳng định, thực hiện tốt công tác hòa giải góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tình làng nghĩa xóm, thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng NTM, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, QPAN trên địa bàn tỉnh. Thông qua hòa giải, các chính sách pháp luật cũng được tuyên truyền, phổ biến đến người dân, góp phần xây dựng các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()