Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:58 (GMT +7)
Hiệu quả từ tái cơ cấu nông nghiệp
Thứ 3, 04/07/2023 | 08:38:54 [GMT +7] A A
Thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiện đại. Điều này, góp phần cải thiện, nâng cao mức sống của người nông dân, cư dân nông thôn trên địa bàn.
Với phần lớn người dân sống ở vùng nông thôn, thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, Hải Hà còn tập trung cho phát triển nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn. Huyện đẩy mạnh phát triển các cây cho giá trị cao, đảm bảo an ninh lương thực, như: lúa, ngô, chè, trồng rừng. Tổng sản lượng lương thực vụ Đông Xuân của huyện đạt: 10.557,6 tấn, tăng 1,8% cùng kỳ 2022. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè của huyện đạt 2.880 tấn búp tươi...
Huyện cũng tăng cường triển khai công tác quản lý nuôi trồng thuỷ sản trên biển, xử lý dứt điểm các trường hợp nuôi trồng thuỷ sản trái phép. Sản lượng thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 9.586 tấn, trong đó sản lượng khai thác 5.849 tấn, sản lượng nuôi trồng 3.737 tấn.
Ông Nguyễn Văn Kiều (thôn 4, xã Quảng Chính), cho biết: Nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo tuyên truyền, vận động của huyện, của xã, đời sống của bà con vùng nông thôn ngày càng khấm khá hơn. Bà con vì vậy càng gắn bó với quê hương mình.
Không chỉ ở Hải Hà, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất của các địa phương trên địa bàn tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp đã có những chuyển biến tích cực. Các địa phương tiếp tục rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, phát triển vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh ứng dụng hệ thống quản lý, sản xuất an toàn thực phẩm.
Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung về trồng trọt như: Vùng cây ăn quả, vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng chè tập trung, vùng trồng rau… Từ năm 2020 đến nay, sản lượng lương thực toàn tỉnh bình quân đạt 224.565 tấn/năm.
Cùng với đó, các địa phương cũng cơ cấu lại chăn nuôi, chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại. Toàn tỉnh hiện có 3 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 85 trang trại chăn nuôi quy mô vừa, 315 trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ và 37.549 cơ sở chăn nuôi nông hộ. Tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại 6 tháng đầu năm 2023 45.430 tấn.
Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh, và nâng cao chất lượng rừng trồng. Năm 2022, toàn tỉnh trồng được 13.336ha rừng; 6 tháng đầu năm 2023, trồng 9.147ha rừng tập trung, trong đó 631,87 ha lim, giổi, lát; sản lượng khai thác gỗ đạt 428.330m3.
Trong lĩnh vực thủy sản, Quảng Ninh đã quy hoạch phát triển ngành, xác định 6 vùng nuôi trồng tập trung gắn với sản phẩm chủ lực của tỉnh; tổ chức lại khai thác hải sản theo hướng phát triển tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ, giảm dần tàu thuyền có công suất nhờ khai thác ven bờ, gắn với bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển quốc gia và an ninh, an toàn trong vùng biển quốc tế. Hiện toàn tỉnh có 6.012 tàu cá. Các địa phương đã tổ chức rà soát, đưa ra khỏi danh sách quản lý đối với 1.954 tàu do không đủ điều kiện đăng ký đăng kiểm. Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng năm 2023 đạt 75.829 tấn, trong đó nuôi trồng 38.381 tấn, còn lại là khai thác.
Cùng với cơ cấu lại các lĩnh vực nông nghiệp; để gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với thị trường tiêu thụ, đưa sản phẩm sản xuất trở thành hàng hóa, những năm qua, các ngành, địa phương của tỉnh cũng chú trọng phát triển các hình thức sản xuất. Toàn tỉnh xây dựng, phát triển liên kết theo chuỗi sản phẩm 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia; phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho 659 cá nhân, tổ chức; duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Đến nay, tỉnh đã có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP với 566 sản phẩm; 1.070ha cây trồng đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tham gia chương trình OCOP cũng được đẩy mạnh.
Sự linh hoạt của tỉnh và các địa phương trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian qua giúp tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp đạt 5%/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày càng được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 54,4 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2020.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()