Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:09 (GMT +7)
Hiệu quả từ mô hình quản lý dịch hại tổng hợp
Thứ 5, 31/10/2024 | 11:17:50 [GMT +7] A A
Trước đây, việc thâm canh tăng vụ, sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) rất phổ biến tại các địa phương của Quảng Ninh. Những năm qua, với việc áp dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, góp phần giúp vệ sinh an toàn thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất. Người nông dân cũng được hưởng lợi rõ rệt khi năng suất cây trồng tăng, mang lại thu nhập tốt hơn.
Vụ mùa năm nay, toàn huyện Hải Hà gieo cấy 3.200ha lúa và hoa màu các loại, trong đó, gieo cấy lúa 2.280ha, rau xanh khoảng 250ha. Tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND huyện về việc triển khai chương trình IPM trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện đã mở lớp IPM trên cây lúa và cây rau tại xã Quảng Phong và xã Quảng Minh. Mỗi lớp có sự tham gia của 30 học viên là nông dân địa phương.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Hải Hà, các lớp học có tính thực tiễn cao để áp dụng ngay trong thực tế sản xuất trồng trọt của mình. Lớp học tiến hành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, lấy học viên làm trung tâm, lấy ruộng đồng làm bài học, hướng dẫn cụ thể ngay trên ruộng với những thí nghiệm nhỏ, đơn giản, dễ làm, để nông dân tự thực hành, tự kiểm tra kết quả áp dụng. Từ đó, bà con thấy rõ vai trò, lợi ích của thiên địch, tác hại của việc lạm dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học đến môi trường, sức khỏe của chính bản thân người trồng, chăm sóc và người tiêu dùng.
Điển hình như kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, học viên được truyền đạt kiến thức về vai trò của chọn giống tốt có khả năng chống chịu sâu bệnh cao và phù hợp với thổ nhưỡng địa phương; kỹ thuật phòng trừ các loại sâu bệnh, ốc bươu vàng, chuột và diệt cỏ dại trên đồng ruộng bằng phương pháp thủ công và thuốc sinh học, thuốc thảo mộc; cách nhận biết các loại sâu bệnh để chủ động phòng chống; nguyên tắc sử dụng thuốc BVTV đúng thuốc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc… Qua đó, người nông dân từng bước áp dụng hài hòa đồng bộ các biện pháp canh tác, cơ lý học, sinh học, hóa học để quản lý, điều khiển dịch hại theo hướng có lợi cho con người trên cơ sở hiểu biết hệ sinh thái cây trồng. Theo thống kê sơ bộ của huyện Hải Hà, trên diện tích cây trồng áp dụng IPM, lượng phân bón hóa học giảm 10%, số lần phun thuốc chỉ 2 lần so với 4 lần như trước.
Anh Lê Minh Thắng (xã Quảng Minh, huyện Hải Hà), chia sẻ: Tham gia lớp về mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, tôi tự tin áp dụng trên diện tích trồng rau xanh của gia đình. Nhờ nắm chắc diễn biến về sinh trưởng phát triển của mỗi loại rau, theo dõi liên tục dịch hại, thời tiết, đất, nước… tôi có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại. Tôi cũng nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình với chất lượng an toàn của rau và sức khỏe của người tiêu dùng. Bà con xung quanh ai có nhu cầu tìm hiểu áp dụng tôi đều sẵn sàng hướng dẫn.
Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM được triển khai từ năm 2016 trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, Sở NN&PTNT ban hành kế hoạch cụ thể triển khai Chương trình IPM trên cây trồng tại các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, dành nguồn kinh phí lớn để tổ chức các lớp học cho các đối tượng nông dân, cán bộ phụ trách khuyến nông xã, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng, các hộ kinh doanh buôn bán vật tư nông nghiệp...
Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh (Sở NN&PTNT), cho biết: Chương trình IPM là sự vận dụng linh hoạt trên nền tảng khoa học cũ và những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn, giảm số lần phun thuốc BVTV trên cây trồng từ 1-2 lần so với diện tích không thực hiện chương trình. Từ đó, tiết kiệm chi phí mua thuốc và công phun thuốc (ước tính vào khoảng 2,4-4,9 triệu đồng/ha/vụ). Ngoài ra, năng suất cây trồng tăng trung bình 5-10%, và lợi nhuận so với phương pháp canh tác truyền thống cũng tăng đáng kể, cao hơn khoảng 4 triệu đồng/ha lúa và khoảng 9,3 triệu đồng/ha rau màu.
Các địa phương cũng dành sự quan tâm lớn đến triển khai mô hình này. Như huyện Vân Đồn trong năm 2024 lên kế hoạch tổ chức 2 lớp huấn luyện IPM trên cây lúa và cây ăn quả tại xã Bản Sen. Đồng thời, mở 4-6 lớp tập huấn, tuyên truyền chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật và sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; hướng dẫn thu gom và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cùng các địa phương để đào tạo nguồn giảng viên chất lượng có chứng chỉ dạy nghề, đủ năng lực hướng dẫn nông dân hiểu và áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng, nhất là các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trên cây trồng chủ lực. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh có 80-90% số xã/phường sản xuất nông nghiệp có đội ngũ nông dân được huấn luyện hiểu biết và ứng dụng hiệu quả về IPM; có 50-60% số hộ nông dân sản xuất nông nghiệp hiểu biết và áp dụng IPM trên các cây trồng. Từ đó, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp xanh bền vững, ít phát thải.
Đỗ Hùng
Liên kết website
Ý kiến ()