Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:46 (GMT +7)
Hiệu quả từ công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ 3, 16/03/2021 | 12:59:56 [GMT +7] A A
Thực hiện Đề án 1956 của Chính phủ, huyện Đầm Hà đã có nhiều giải pháp linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cũng như đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động sau đào tạo, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hàng trăm lao động của huyện Đầm Hà làm việc tại KCN Cảng biển Hải Hà. |
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đạt hiệu quả cao nhất, hằng năm, huyện Đầm Hà đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, các hội đoàn thể tuyên truyền, vận động người lao động trên địa bàn tham gia các lớp học nghề và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động sau khi đã được đào tạo...
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay toàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó có 2 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp, 13 Trung tâm GDNN-GDTX, 19 đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có tham gia hoạt động GDNN. Sở LĐTB&XH cùng các địa phương còn tích cực tuyên truyền chính sách hỗ trợ đối tượng học nghề trong danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh theo Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND để thu hút lao động tham gia học nghề; rà soát đối tượng thụ hưởng để thực hiện. |
Hiện nay, ngoài Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên và một doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia dạy nghề cho LĐNT, huyện Đầm Hà cũng đã phối hợp Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh. Nhờ đó thực hiện ngày càng tốt hơn trong từng khâu tuyển sinh, bố trí địa điểm học, kiểm tra giám sát lớp học, tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm cho người học sau đào tạo...
Thực tế được biết, với cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu học văn hóa và học nghề của học viên, nên những năm gần đây, học sinh đăng ký học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên ngày một tăng. Từ đó, Trung tâm đã thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho lao động địa phương với các nghề: Điện dân dụng, hàn, tin học văn phòng, trồng nấm, nuôi cá nước ngọt.
Ngoài ra, Trung tâm còn liên kết, phối hợp với các trường cao đẳng tuyển sinh mở lớp đào tạo nghề trung cấp cho học sinh học văn hóa kết hợp học nghề. Đồng thời phối hợp với các đoàn thể, hội, các phòng ban chuyên môn và trung tâm học tập cộng đồng tổ chức các lớp học ngắn hạn, chuyển giao ứng dụng công nghệ vào sản xuất cho người lao động. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã đào tạo nghề cho 307 học viên, trong đó có 118 học viên nghề sơ cấp và 189 học viên học nghề trung cấp. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 75%.
Huyện Đầm Hà phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức phân luồng giáo dục, dạy nghề và tuyển dụng lao động. Ảnh chụp tháng 1/2020 |
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà, cho biết: Qua 10 năm triển khai Đề án 1956, tỷ lệ LĐNT trên địa bàn huyện có việc làm sau đào tạo đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra hằng năm. Từ năm 2010 đến nay, đã có 1.965 LĐNT được đào tạo nghề, trong đó có 1.736 người có việc làm sau đào tạo, đạt 88,34%. Trong đó: Được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng 308 người; tự tạo việc làm 1.428 người. Đặc biệt là các nhóm học viên thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo... được tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng nghề.
Việc đào tạo nghề cho LĐNT đã trang bị cho người nông dân những kiến thức cơ bản về trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi từ nông ngư nghiệp sang làm tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ..., giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống gia đình và xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()