Tất cả chuyên mục

Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, thời gian gần đây, ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã có những tiến bộ đáng kể về diện mạo; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Để có được những thành tựu đó, tỉnh đã tập trung đầu tư, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách, dự án của Trung ương và của tỉnh cho các xã vùng dân tộc thiểu số.
Triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg (ngày 7-8-2009) của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9-8-2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2366/QĐ-UBND “Về hình thức hỗ trợ, mức hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg”. Theo đó, ngoài mức hỗ trợ của Trung ương (80.000 đồng/ người/năm) tỉnh hỗ trợ 70.000 đồng/người/năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã bãi ngang, hải đảo vùng khó khăn; 100.000 đồng/người/ năm đối với người dân thuộc hộ nghèo ở khu vực III vùng khó khăn (Trung ương hỗ trợ 100.000 đồng/người/năm cho khu vực này).
![]() |
Cán bộ quân y BĐBP tỉnh khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc xã Bắc Sơn (TP Móng Cái). |
Tỉnh có 54 xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố có đối tượng thụ hưởng chính sách này. Số hộ được thụ hưởng chính sách của tỉnh trong 3 năm (từ 2010 đến 2012) là 26.612 lượt hộ (=120.409 lượt nhân khẩu). Trong đó, khu vực II là 8.654 lượt hộ (=36.661 lượt nhân khẩu); khu vực III là 17.958 lượt hộ (=83.748 lượt nhân khẩu). Theo Quyết định số 2366/QĐ-UBND, trong 3 năm (từ 2010 đến 2012), tổng kinh phí tỉnh cấp để thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn của tỉnh là trên 22,282 tỷ đồng. Trong đó, khu vực II là 5,510 tỷ đồng; khu vực III là 16,771 tỷ đồng. Tổng kinh phí thực hiện trong 3 năm là 22,248 tỷ đồng, bằng 99,85% kế hoạch… Người dân được thụ hưởng chính sách đã chủ động sử dụng kinh phí để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống.
Cùng với thực hiện chính sách trên, tỉnh cũng thực hiện tốt chính sách cử tuyển. Trong 2 năm (2010-2011), tỉnh có 43 sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển. Số sinh viên đã bố trí công tác là 16 (chiếm 37,2%). Năm 2012, tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu cử tuyển cho 5 địa phương, gồm: Hoành Bồ, Tiên Yên, Ba Chẽ, Móng Cái, Bình Liêu với tổng số 11 học sinh.
Quá trình tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, chính sách dân tộc, tỉnh đã vận dụng linh hoạt các chính sách dân tộc của Trung ương để áp dụng thực hiện trên địa bàn. Cụ thể: Tăng mức hỗ trợ cao hơn mức Trung ương quy định; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách dân tộc ngoài đối tượng Trung ương quy định; huy động mọi nguồn lực xã hội để tổ chức thực hiện, rút ngắn tiến độ thực hiện một số chương trình, dự án và chính sách dân tộc so với quy định của Trung ương...
Ngoài việc chỉ đạo thực hiện triệt để các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Trung ương qua từng giai đoạn, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, miền núi, biên giới, biển đảo như: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất riêng cho huyện Ba Chẽ thực hiện trong 3 năm (từ 2008-2010) với tổng vốn hỗ trợ, đầu tư là 37,321 tỷ đồng (tỉnh hỗ trợ 16,504 tỷ đồng, huy động nhân dân góp 20,817 tỷ đồng), giúp 22.844 lượt hộ dân được hưởng lợi, góp phần làm giảm 18% số hộ nghèo của huyện. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hộ nghèo ở 41 xã khó khăn với phương thức ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất vay cho 28 xã, hỗ trợ 50% lãi suất vay cho 13 xã. Trong 5 năm (từ 2006 đến 2010), ngân sách tỉnh trích 26,5 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất vay vốn cho hộ nghèo ở 41 xã trên.
Từ năm 2007, tỉnh tiếp tục có Quyết định phân công 271 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trợ giúp 26 xã nghèo. Nhờ đó, đã huy động gần 12 tỷ đồng, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình phúc lợi phục vụ dân sinh, hỗ trợ phát triển sản xuất. Tỉnh tiếp tục biên soạn bộ tài liệu dạy tiếng Dao Thanh Phán, đến nay đã tổ chức được 11 lớp bồi dưỡng tiếng Dao Thanh Phán cho 461 học viên là CB CCVC vùng dân tộc, miền núi của tỉnh. Tiếp đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng các xã thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2020 cho 54 xã khó khăn của tỉnh với mức hỗ trợ mỗi xã 500 triệu đồng/năm, bằng 50% mức hỗ trợ của Trung ương cho Dự án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình 135. HĐND tỉnh đang xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2012-2015, áp dụng cho 52 xã khó khăn với mức hỗ trợ bình quân 400 triệu đồng/xã/năm.
Nhiều chính sách, dự án như: Hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg (ngày 7-8-2009) của Thủ tướng Chính phủ; Dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo… cũng được tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả.
Triển khai tốt các chính sách vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, từng bước xoá dần khoảng cách giữa các vùng, miền.
Nguyễn Huế
Ý kiến ()