Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:25 (GMT +7)
Hiệu quả tận thu than ở các lò chợ cơ giới hóa
Thứ 6, 21/07/2023 | 14:02:08 [GMT +7] A A
Để tận thu tài nguyên tại các diện khai thác than hầm lò, những năm qua, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh đầu tư và đưa vào sử dụng các hệ thống cơ giới hóa phù hợp. Các lò chợ khai thác than bằng cơ giới hóa không chỉ cho năng suất, sản lượng, hệ số an toàn cao, mà còn tăng tỷ lệ thu hồi than, giảm tổn thất tài nguyên xuống mức thấp nhất.
Công ty Cổ phần Than Vàng Danh - Vinacomin là một trong những đơn vị sản xuất than hầm lò lớn của TKV, với sản lượng bình quân trên 3 triệu tấn than/năm, chiếm từ 10-15% tổng sản lượng than khai thác hầm lò của TKV. Trong đó, sản lượng than khai thác từ khu vực vỉa dốc trên 45o của Vàng Danh luôn duy trì từ 0,8-1,2 triệu tấn, chiếm từ 25-35% sản lượng toàn Công ty theo các loại hình công nghệ khai thác.
Để giảm tỷ lệ tổn thất than tại các vỉa dốc, từ cuối năm 2017, Công ty đã đưa vào áp dụng công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY. "Khi áp dụng giàn mềm ZRY, sản lượng khai thác lò chợ tăng lên từ 110.000-120.000 tấn than/năm, tổn thất than giảm ở mức còn 21%. Phẩm cấp than nguyên khai từ các lò chợ ZRY cũng luôn được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu sản xuất than chất lượng cao của mỏ" - ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Công ty cho biết.
Tuy nhiên, với công nghệ này, phần tài nguyên buộc phải bỏ lại ở các trụ bảo vệ vẫn còn tương đối nhiều, đồng nghĩa với tỷ lệ tổn thất tài nguyên lớn. Giữa năm 2021, Than Vàng Danh tiếp tục nghiên cứu giải pháp khấu than bằng giàn mềm ZRY không để lại trụ bảo vệ, giúp tăng sản lượng khai thác than lò chợ ZRY và thu hồi triệt để tài nguyên.
Kết quả đạt được sau thời gian áp dụng thử nghiệm đã khẳng định sự thành công trong việc áp dụng giải pháp thu hồi than tại các lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn mềm ZRY. Tính từ thời điểm áp dụng đến nay, trữ lượng khai thác lò chợ bằng giàn chống tăng 16% - từ hơn 134.000 tấn lên hơn 160.000 tấn; tỷ lệ tổn thất tài nguyên giảm từ 21% xuống còn 17%, tận thu than gần như triệt để.
"ZRY chỉ là một trong những loại hình công nghệ hiện đại mà Than Vàng Danh sử dụng để khai thác, tận thu tài nguyên các khu vực vỉa có địa chất phức tạp. Ngoài ra, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ với cơ cấu hạ trần thu hồi than nóc mà đơn vị này đang vận hành cũng cho sản lượng than cao, tài nguyên khai thác triệt để với tỷ lệ thu hồi đạt từ 90-98% - ông Vương Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty Than Vàng Danh cho biết thêm.
Còn với Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin, lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ mà đơn vị này đưa vào khai thác từ năm 2020 đến nay vẫn là "át chủ bài" trong các chiến dịch tăng sản lượng than hầm lò của mỏ. Không chỉ cho sản lượng bình quân cao (300.000 tấn than/năm), cơ cấu hạ trần thu hồi than nóc của hệ thống cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ này còn giúp Than Mông Dương giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên.
Theo ông Ngô Xuân Thủy, Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, hiệu quả thu hồi than từ lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ của đơn vị đạt 87%, tăng khoảng 6% so với các công nghệ cũ trong cùng điều kiện khai thác. Than thu hồi từ các diện này gần như triệt để. Điều kiện để lắp đặt lò chợ này là chiều dày vỉa từ 4-6m, góc dốc nhỏ hơn hoặc bằng 25 độ và hiện nay Than Mông Dương đang nghiên cứu, lựa chọn các vị trí phù hợp để có thể nhân rộng mô hình công nghệ này trong tương lai.
Hiện tại, các đơn vị khai thác than hầm lò trong TKV đang sử dụng 12 dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ với sản lượng than khai thác mỗi năm chiếm khoảng 17,8% tổng sản lượng than hầm lò của Tập đoàn. Kế hoạch năm 2023, sản lượng than khai thác từ các hệ thống cơ giới hóa đồng bộ này là 4,27 triệu tấn.
Theo Ban Kỹ thuật - Công nghệ Mỏ TKV, tính từ năm 2020 đến nay, hệ số thu hồi than (tính chung cho cả lò chợ khấu hết chiều dày vỉa và lò chợ khấu lớp trụ, có thu hồi than nóc) của các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ trong Tập đoàn đạt từ 73-98%, phần lớn đạt từ 80-95%. Trong đó, các lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ (đã đưa vào áp dụng tại các đơn vị, gồm: Mông Dương, Dương Huy, Uông Bí, Hạ Long) cho thấy hiệu quả thu hồi than tốt hơn, đạt từ 80-98%, cao hơn 3-5% so với loại hình công nghệ khai thác chống giữ bằng giá khung/xích.
Để tiếp tục tăng năng suất, sản lượng than hầm lò, tận thu tài nguyên một cách hiệu quả, từ nay đến năm 2025, TKV dự kiến tiếp tục đánh giá, đầu tư bổ sung 5 dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ tại một số đơn vị: Than Núi Béo, Than Thống Nhất, Than Hòn Gai, Than Hạ Long, Than Mạo Khê và đầu tư thay thế 2 dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ tại Than Hà Lầm, Than Khe Chàm.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()