Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:07 (GMT +7)
Hiệu quả sử dụng nguồn lực trong bảo vệ môi trường
Thứ 3, 29/08/2023 | 13:41:34 [GMT +7] A A
Tháng 9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030 (gọi tắt là Nghị quyết số 10-NQ/TU). Sau gần một năm triển khai, Nghị quyết đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, trong đó có các giải pháp về điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách cũng như huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Nhằm thực hiện tốt vai trò của nguồn vốn để vận hành bộ máy quản lý và dẫn dắt các nguồn vốn khác của xã hội, trong định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2022– 2025, tỉnh đã quy định điều tiết 100% nguồn thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Nguồn phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt thu qua hóa đơn sử dụng nước do Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh thu, nộp vào ngân sách nhà nước (phần nộp ngân sách) cũng dành cho các địa phương để cân đối chi cho lĩnh vực BVMT. Đồng thời quy định tỷ lệ trích để lại cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long từ nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long là 11%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã được trích lại gần 39 tỷ đồng để thực hiện cho các hoạt động thường xuyên của Ban, trong đó có nhiệm vụ quản lý tài nguyên, BVMT, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước. Phần kinh phí còn lại điều tiết về TP Hạ Long để thực hiện các mục tiêu phát triển Vịnh Hạ Long. Cũng theo quy định của tỉnh, tỷ lệ trích để lại cho Ban Quản lý Di tích quốc gia và Rừng quốc gia Yên Tử từ nguồn thu phí tham quan khu di tích và rừng quốc gia là 20% để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, trong đó có các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải, bảo tồn đa dạng sinh học.
Đối với thực hiện chi ngân sách từ các nguồn vốn sự nghiệp, năm 2023, tỉnh dự kiến chi kinh phí sự nghiệp BVMT gần 760 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,37% so với tổng chi ngân sách địa phương và cao hơn mức quy định của Trung ương) cho các hoạt động chủ yếu như: Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt tại các địa phương, chi phí quan trắc, giám sát môi trường tự động, định kỳ, chi phí thực hiện các nghiên cứu xây dựng chính sách... Sở NN&PTNT đã thực hiện chi trên 385 triệu đồng để thu gom, xử lý gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng và thuốc bảo vệ thực vật không được phép sử dụng tại các vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từ nguồn sự nghiệp kinh tế. Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh hỗ trợ huyện Ba Chẽ, Bình Liêu xây dựng 827 nhà tiêu hợp vệ sinh, tổng trị giá trên 3,3 tỷ đồng.
Để phát huy nguồn vốn hợp tác quốc tế, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tiếp nhận vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản để thực hiện dự án Nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ với kinh phí 67.470 USD. Sở Xây dựng đang tiếp tục phối hợp cùng Trường ĐH Xây dựng triển khai dự án “Thiết lập hệ thống quản lý phế thải xây dựng hiệu quả nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường và tăng cường khả năng chế tạo các loại vật liệu mới từ phế thải xây dựng tái chế ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án SATREPS). Dự án được cơ quan hợp tác (JICA) và Cơ quan phát triển khoa học công nghệ của Nhật Bản (JST) tài trợ. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ thực hiện Dự án thành lập Trung tâm tái chế chất thải rắn xây dựng tại TX Quảng Yên.
Nghị quyết số 10-NQ/TU cũng tiếp tục nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của các doanh nghiệp khi chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Than đã bố trí gần 500 tỷ đồng (Tổng công ty Đông Bắc bố trí 36,9 tỷ đồng, TKV bố trí 418 tỷ đồng) cho các hoạt động BVMT như: Nạo vét các công trình thu gom thoát nước; tưới nước dập bụi, vệ sinh môi trường, cảnh quan trụ sở, mặt bằng sản xuất; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, bao gồm cả duy trì hoạt động của các trạm xử lý nước thải mỏ tập trung, vận hành nhà máy xử lý chất thải nguy hại, trồng cây, cải tạo phục hồi môi trường…
Về phía các cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động BVMT theo các giấy phép môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt và hưởng ứng các chiến dịch, phong trào, hoạt động về BVMT, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu do tỉnh phát động tại cơ quan, đơn vị và địa bàn hoạt động.
Nhờ được đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng, môi trường của tỉnh ngày càng được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát, việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các trung tâm đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết đã đạt và vượt so kế hoạch đề ra. Nổi bật như: 98,3% hộ gia đình ở đô thị được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn (mục tiêu là 98%); tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn xả thải ra môi trường đạt 100% (đạt); giảm 100% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương giai đoạn 2015- 2020 (mục tiêu là 30%)…
Hoàng Nga
- TKV: Song hành sản xuất với bảo vệ môi trường
- Công ty Nhiệt điện Mông Dương vận hành nhà máy an toàn, đảm bảo môi trường
- Tăng cường xử lý vi phạm môi trường biển
- Lập lại trật tự giao thông đường thủy, vệ sinh môi trường ven bờ Vịnh Hạ Long
- Bài cuối: Quy hoạch gắn với bảo vệ môi trường
- Chuyện dân Khe O bảo vệ môi trường
Liên kết website
Ý kiến ()