Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:57 (GMT +7)
Hiệu quả phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn văn minh
Chủ nhật, 09/04/2023 | 10:35:18 [GMT +7] A A
Những năm qua, phong trào xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không ngừng được đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển các địa phương, làm thay đổi diện mạo các vùng nông thôn, miền núi và đô thị.
Phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” đã góp phần thúc đẩy tinh thần thi đua, tạo mục tiêu phấn đấu để 177 xã, phường, thị trấn đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh. Phong trào tập trung vào các lĩnh vực, nhiệm vụ trọng tâm, những vấn đề nhân dân quan tâm, phù hợp với điều kiện thực tế và thế mạnh của mỗi địa phương như: Xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội khu vực đồng bào dân tộc, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Cùng với đó, MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương triển khai các phong trào thi đua, xây dựng nếp sống văn minh trên nhiều lĩnh vực, như: Giao tiếp ứng xử nơi công cộng; sản xuất, kinh doanh dịch vụ, thương mại; tham gia giao thông; việc cưới, việc tang lễ hội, xây dựng môi trường xã hội an toàn, thân thiện, văn minh... Trong xây dựng hạ tầng và chỉnh trang đô thị, nhân dân tích cực tham gia GPMB, hiến đất, đóng góp ngày công hoàn thành nhiều công trình công cộng. Đến nay, nhiều xã, phường, thị trấn đã đổ nhựa và bê tông hóa 100% các tuyến đường trong khu dân cư. Những tuyến đường trục chính được đầu tư, nâng cấp đồng bộ với vỉa hè, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Diện mạo nông thôn, đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp, văn minh.
Các nhà văn hóa thôn, khu được quan tâm sửa chữa, nâng cấp phục vụ nhân dân trong sinh hoạt nhân các ngày lễ, tết, ngày truyền thống. Các thôn, khu phố tổ chức nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ được nhân dân hưởng ứng, khuyến khích nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ hát dân ca đã ra đời. Một số lớp dạy đàn tính, hát then, hát đúm, hát nhà tơ được tổ chức, góp phần phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tiếp thêm động lực thi đua lao động, sản xuất.
Theo báo cáo của Sở Văn hoá - Thể thao, năm 2022, toàn tỉnh có 338.234/355.805 hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" (đạt 95%), 1.389/1.452 làng, khu phố văn hoá (đạt 96%), 98/98 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 54/79 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 68,4%), 1.172/1.652 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” (đạt 70,9%).
Chính quyền và MTTQ cơ sở thường xuyên quan tâm công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tốt “Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” góp phần xây dựng hình ảnh con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” đáp ứng yêu cầu trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng bản sắc riêng có của người Quảng Ninh. Các chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người Quảng Ninh dần được hình thành đưa vào quy ước, hương ước làng, xã. 100% các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị xây dựng và thực hiện tốt quy định cụ thể về văn hóa công sở, kỷ luật, kỷ cương, góp phần hình thành ý thức, thói quen tu dưỡng, rèn luyện cho mỗi cá nhân.
Một số địa phương đã cụ thể hoá gắn đặc trưng riêng như: Bộ Quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân thành phố Uông Bí”; Đề án “Văn hóa công vụ” ở Hạ Long; phong trào “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh”, “Xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình”. Đó là những nền tảng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Phong trào thi đua được các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh triển khai gắn với các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh... góp phần thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới và đô thị văn minh.
Đến nay, Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình Xây dựng nông thôn mới với 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 56/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 26/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn các chỉ tiêu tiêu chí nông thôn mới. Các xã Vạn Ninh (TP Móng Cái), Bình Dương (TX Đông Triều), Dân Chủ (TP Hạ Long) đang tiếp tục triển khai mô hình “Khu dân cư văn hóa kiểu mẫu gắn với thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu”. Quảng Ninh là tỉnh thứ 6 trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hoá.
Với những kết quả đạt được, có thể khẳng định phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” đã góp phần thiết thực thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và đô thị, phát huy cao độ tinh thần đồng thuận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân. Qua phong trào cũng xuất hiện thêm nhân tố mới, điển hình tiên tiến làm nòng cốt đưa phong trào phát triển sâu rộng, thiết thực, tạo ra bầu không khí thi đua sôi nổi trong toàn xã hội.
Huỳnh Đăng
- Bình Liêu: Xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, giàu bản sắc
- Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
- Xây dựng đời sống văn hóa ở xã Hà Lâu
- Xây dựng đời sống văn hóa ở xã Đồn Đạc
- Xây dựng đời sống văn hóa giàu bản sắc dân tộc
- Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
- Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh
Liên kết website
Ý kiến ()