Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:26 (GMT +7)
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ở Ba Chẽ
Thứ 4, 11/01/2023 | 07:01:53 [GMT +7] A A
Theo đánh giá của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Việt Nam, trong 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác (Nghị định 78), nhiều địa phương đã thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách, giúp cho hàng nghìn hộ dân thoát nghèo bền vững. Một trong những địa phương có chất lượng tín dụng tốt nhất cả nước là huyện Ba Chẽ.
Tầu Tiên là thôn vùng cao của xã Đồn Đạc, 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Các hộ dân nơi đây sống chủ yếu là dựa vào ngành nghề trồng rừng và sản xuất nông nghiệp. Triển khai Nghị định 78, trong những năm qua, Ngân hàng CSXH huyện đã quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt để người dân trong thôn được vay vốn ưu đãi của Chính phủ đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Anh Triệu Quay Phúc (thôn Tầu Tiên) chia sẻ: Gia đình tôi trước đây thuộc diện nghèo của xã. Năm 2005, sau khi được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện, tôi đã đầu tư mua 5 con bò sinh sản. Nhờ đàn bò phát triển tốt, hàng năm sinh sản từ 2 đến 3 con bê, tạo thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng/năm nên đời sống gia đình ngày càng được cải thiện. Đến năm 2009, gia đình tôi thoát nghèo và đã trả hết nợ vay của ngân hàng.
Sau khi thoát nghèo nhờ phương án vay vốn nuôi bò, anh Phúc mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và chuyển hướng đầu tư vào trồng keo. Sau thời gian 7 năm, gia đình anh Phúc đã có thu nhập 400 triệu đồng từ thu hoạch rừng keo. Từ hiệu quả mang lại, gia đình anh tiếp tục đầu tư trồng thêm 18ha keo, 5ha quế và làm vườn ươm cung cấp cây giống cho các hộ gia đình trên địa bàn. Đến nay, gia đình anh đã tạo thêm việc làm mới cho 5-10 lao động tại địa phương từ mô hình trồng rừng với mức thu nhập từ 300.000 đến 320.000 đồng/người/ngày. Cùng với đó, anh Phúc còn mua ô tô vận tải hàng hóa tạo việc làm cho 2 lao động có mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng, qua đó góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng trên địa bàn xã Đồn Đạc đang thực hiện 11 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ trên 97 tỷ đồng, trên 1.100 hộ được vay và đang là địa phương có dư nợ vay vốn cấp xã cao nhất tỉnh. Cùng với việc tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng cũng luôn được quan tâm củng cố và nâng cao, từ năm 2013, xã không có nợ quá hạn. Hiện nay có trên 82% số hộ gia đình tại xã Đồn Đạc được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng CSXH, bình quân mỗi hộ vay khoảng 80 triệu đồng. Theo số liệu thống kê, năm 2015, trên địa bàn xã Đồn Đạc có 753 hộ nghèo (chiếm 55,4%), 281 hộ cận nghèo (chiếm 20,7%), đến thời điểm kết thúc năm 2021 cả xã chỉ còn 43 hộ nghèo (chiếm 2,9%).
Không riêng xã Đồn Đạc, việc triển khai Nghị định 78 cũng ghi dấu ấn ở các xã còn lại trên địa bàn huyện Ba Chẽ khi chất lượng chương trình tín dụng chính sách xã hội ngày càng nâng cao. Từ 2 chương trình tín dụng nhận bàn giao, đến nay trên địa bàn huyện đã triển khai 12 chương trình tín dụng, dư nợ đạt 308 tỷ đồng cho trên 5.000 khách hàng còn dư nợ (chiếm 89% số hộ dân trên địa bàn). Chất lượng tín dụng luôn được quản lý rất tốt, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện không có nợ quá hạn. Thống kê cho thấy, trong 20 năm qua nguồn vốn tín dụng đã giúp cho 2.040 hộ gia đình thoát nghèo, 866 hộ thoát cận nghèo, 537 hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Đồng thời, nguồn vốn còn thu hút, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 2.280 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; 718 hộ được vay vốn, hỗ trợ xây mới nhà ở và hàng nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh được xây mới, cải tạo, hàng nghìn ha rừng sản xuất, rừng cây gỗ lớn được trồng mới hàng năm.
Không chỉ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn, mà từ việc mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, các hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, mạnh dạn vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả. Minh chứng rõ nhất là có hàng trăm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo, xóa bỏ tính trông chờ, ỷ lại không muốn thoát nghèo vốn đã ăn sâu vào một bộ phận nhân dân trước đây. Nhiều hộ dân không còn hiện tượng để đất đai bỏ hoang hóa, nhiều hộ mua sắm được ô tô, máy xúc và phương tiện sản xuất khác.
20 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách đã từng bước khẳng định vị thế quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đối với một địa phương khó khăn nhất tỉnh, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()