Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 06:37 (GMT +7)
Hiệu quả nguồn vốn tín dụng
Thứ 5, 02/02/2023 | 11:08:21 [GMT +7] A A
Nguồn vốn tín dụng là nền tảng quan trọng thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã tập trung nguồn vốn, triển khai đa dạng các chương trình, đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Khi huyện Tiên Yên triển khai mô hình "2 con, 1 cây" năm 2017, hộ ông Hoàng Văn Cường (xã Đông Ngũ) đã mạnh dạn tham gia mô hình nuôi gà Tiên Yên. Được huyện hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, ông đã đầu tư nuôi 2.000 con gà. Nhận thấy hiệu quả của nuôi gà, ông quyết định vay 500 triệu đồng của Agribank huyện đầu tư mở rộng trang trại, quy mô đàn gà. Ông tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà; đặc biệt xây dựng, đăng ký, dán tem mác dán mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người tiêu dùng nắm rõ xuất xứ cũng như quy trình chăn nuôi, ngày nuôi, ngày bán, tạo uy tín, thương hiệu, giá trị sản phẩm. Mỗi năm trang trại của gia đình ông xuất bán gần 4.000 con gà thịt thương phẩm, thu nhập khoảng 350 triệu đồng. Đến nay, sản phẩm gà Tiên Yên của gia đình ông đã phủ khắp địa bàn tỉnh, vươn ra các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Hải Phòng…
Là ngân hàng chủ lực trong lĩnh vực tam nông, thời gian qua, Agribank Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân vay vốn và sử dụng các dịch vụ tại Agribank nơi cho vay; giúp người dân khu vực nông thôn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn, đúng cam kết; tăng lượng khách hàng, mở rộng đầu tư phát triển tam nông, nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực tam nông, ký kết thỏa thuận hợp tác thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với hội nông dân các cấp, đẩy mạnh cho vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn… Qua đó, giúp người dân, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.
Bằng nhiều nguồn vốn, Ngân hàng CSXH tỉnh cũng tập trung cho vay khu vực nông thôn. Đặc biệt, UBND tỉnh đã uỷ thác từ ngân sách tỉnh cho Ngân hàng CSXH tỉnh 190 tỷ đồng để triển khai Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Phê duyệt chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".
Để kịp thời đưa vốn tín dụng chính sách đến người dân, thời gian qua Ngân hàng CSXH tỉnh tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động ủy thác. Đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng củng cố, sắp xếp, bổ sung kịp thời mạng lưới hoạt động tại phường, xã; thực hiện nghiêm văn bản liên tịch, hợp đồng ủy thác; phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Dư nợ cho vay khu vực nông thôn của Ngân hàng CSXH tỉnh hiện là 2.459,7 tỷ đồng (chiếm 69,6% tổng dư nợ các chương trình tín dụng) với 64.539 khách hàng. Trong đó, toàn tỉnh có 967 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay phát triển sản xuất, kinh doanh; 4.178 lượt hộ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; 19.060 lượt khách hàng vay vốn giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động...
Nguồn vốn tín dụng đã phát huy hiệu quả cùng với các nguồn lực khác tập trung đầu tư cho tam nông, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền, thúc đẩy xây dựng NTM.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()