Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 21:39 (GMT +7)
Hiệu quả kép từ tái sử dụng đất đá thải mỏ
Thứ 2, 28/11/2022 | 07:33:26 [GMT +7] A A
Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) có chủ trương thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp. Sau hơn 3 năm tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện quy hoạch, thủ tục cấp phép, ngày 24/11 vừa qua, TKV đã chính thức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Hướng đi này giúp TKV giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên làm bãi thải mỏ và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường xung quanh.
Đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp
Cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây nhu cầu quỹ đất, vật liệu xây dựng cho các công trình dân dụng, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng tăng theo. Giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vật liệu san lấp để phục vụ các dự án trên địa bàn tỉnh đã đăng ký là khoảng 640 triệu m³. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án đăng ký khoảng 1,02 tỷ m³. Thực tế, nhiều dự án, công trình trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh đang “khát” nguồn vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng.
Ông Nguyễn Sỹ Hiên, Công ty CP Đầu tư xây dựng TPC (Tập đoàn Vingroup) - đơn vị đang triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh, cho biết: Hiện công ty cần nhu cầu sử dụng 224 triệu m³ vật liệu san lấp một số dự án. Trong đó, đơn vị có thể cân đối 80 triệu m³, còn lại thiếu hơn 140 triệu m³. Doanh nghiệp đang hợp đồng với TKV lấy nguồn đất đá thải mỏ phục vụ san lấp một số dự án. Việc dùng đất đá thải mỏ san lấp các dự án trên địa bàn Quảng Ninh là chủ trương lớn, hướng đi đúng của tỉnh, trong bối cảnh địa phương đang cần số lượng lớn về nguyên liệu san lấp mặt bằng. Điều này giúp địa phương có thể chủ động tìm được nguồn vật liệu phù hợp thay thế dần việc san gạt đồi lấy đất phục vụ san lấp mặt bằng các dự án.
Hiện nay, lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của TKV đạt trên 150 triệu m³/năm. Trong quá trình khai thác than lộ thiên hàng chục năm qua TKV đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³ với diện tích chiếm đất rất lớn. Xuất phát từ nhu cầu và khai thác giá trị gia tăng sau khai thác mỏ, cuối tháng 9/2020, TKV đã giao Công ty Chế biến than Quảng Ninh chủ trì, phối hợp với các công ty con, đơn vị trực thuộc Tập đoàn trong lĩnh vực khai thác, chế biến than để lập quy hoạch các khu vực bãi thải từ quá trình khai thác và chế biến than có thể sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng.
Để tái sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp từ năm 2020 đến nay, TKV đã hoàn thiện phương án, quy chế quản lý, khai thác và triển khai lập quy hoạch các khu vực bãi thải có thể khai thác, sử dụng làm vật liệu san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng. Ngày 21/3/2022, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam ban hành văn bản số 761/ĐCKS-KS về việc thu hồi, sử dụng đất đá thải trong khai thác than mỏ Suối Lại. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về nguyên tắc, cho phép TKV thu hồi, sử dụng đất đá thải tại bãi thải trong quá trình khai thác than tại mỏ Suối Lại để làm vật liệu san lấp cho các dự án công trình trên địa bàn Quảng Ninh. Tổng khối lượng 3,5 triệu m³; thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022.
Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh, cho biết: Bãi thải mỏ Suối Lại có vị trí giao thông rất thuận lợi, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vận chuyển đất đá thải bằng đường bộ hoặc đường thủy. Hiện, công ty đã ký hợp đồng cung cấp đất, đá thải mỏ cho các dự án: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và tiếp tục thương thảo để ký kết với các chủ dự án, nhà thầu khác.
Hiệu quả kép
Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: Với lượng đất đá thải hằng năm của TKV rất lớn, hiện tổng diện tích bãi thải của TKV chiếm dụng lên tới 4.000ha. Tại các bãi thải than luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước, đặc biệt nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh. Việc tái sử dụng đất đá tại bãi thải mỏ Suối Lại làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích kép giúp các đơn vị ngành Than hạn chế tác động đến môi trường, mặt khác giúp TKV tăng hiệu quả kinh tế từ việc tái sử dụng đất đá thải mỏ.
Không chỉ giảm áp lực đổ thải của các công ty khai thác than mà còn đáp ứng được nhu cầu vật liệu san lấp của các dự án đầu tư hạ tầng trên địa bàn ngày một lớn và bảo vệ môi trường ngày càng bền vững. Dự án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình dân dụng và công nghiệp tại khu vực Suối Lại là dự án đầu tiên của TKV được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Thời gian tới, tỉnh và ngành Than sẽ hoàn thiện thủ tục tiếp tục xin cấp phép khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình ở các vị trí bãi thải khác.
Theo ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, việc khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ làm nguyên liệu san lấp phục vụ các công trình dân dụng và công nghiệp là sự thống nhất giữa mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với môi trường của TKV với tỉnh Quảng Ninh trong việc đẩy mạnh phát triển “kinh tế tuần hoàn” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), xây dựng tỉnh Quảng Ninh là trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Đặc biệt, việc sử dụng đất đá thải mỏ vào san lấp mặt bằng các dự án, công trình đạt nhiều mục đích. Qua đó cũng góp phần giảm độ cao, diện tích chiếm dụng đất của các bãi thải; đồng thời giảm khai thác, sử dụng các đồi đất tự nhiên, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường…
Tuy nhiên, hiện nay các thủ tục khai thác, sử dụng loại nguyên vật liệu này để san lấp mặt bằng khá phức tạp, mất nhiều thời gian bởi đất đá thải mỏ vẫn được coi là một loại khoáng sản. Theo đó, quy trình, thủ tục xin khai thác đất đá thải mỏ cũng tương tự như xin mở một mỏ khai thác tài nguyên khác. Đây cũng là một trong những lý do khiến trữ lượng đất đá thải mỏ của ngành than ở Quảng Ninh hiện là hơn 1 tỷ m³ nhưng mới chỉ cấp phép khai thác được hơn 3,5 triệu m³.
Thời gian tới, TKV tiếp tục tháo gỡ khó khăn, lập quy hoạch các khu vực hoạt động khai thác, sử dụng và kinh doanh đất đá thải mỏ trong quá trình khai thác và chế biến thuộc Tập đoàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 và dự báo sau năm 2030 gồm 15 địa điểm khai thác, tái sử dụng đất đá thải mỏ tại các vùng: Uông Bí, Đông Triều, Hòn Gai, Cẩm Phả với tổng khối lượng đất đá thải có thể khai thác, thu hồi khoảng hơn 633 triệu m³, bình quân hơn 70 triệu m3/năm.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()