Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:43 (GMT +7)
Hiệu quả hệ thống quan trắc môi trường tự động
Thứ 4, 01/09/2021 | 08:53:34 [GMT +7] A A
Được triển khai hoạt động từ năm 2015, đến nay mạng lưới quan trắc môi trường tự động của tỉnh đã và đang giúp ngành chức năng thuận lợi theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các nguồn thải của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân trên địa bàn.
Bắt đầu từ năm 2015, tỉnh triển khai dự án đầu tư, lắp đặt và đưa vào hoạt động 26 trạm quan trắc môi trường tại các vị trí trọng yếu về môi trường trên địa bàn tỉnh. Sau 1 năm vận hành, dự án đã tạo tiền đề để giai đoạn 2016-2020 các cơ sở phát thải lớn như sản xuất than, xi măng, nhiệt điện đầu tư, lắp đặt thêm 113 trạm quan trắc tự động trên toàn tỉnh. Đến nay, cơ bản các chủ nguồn thải thuộc đối tượng phải thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ đã thực hiện lắp đặt, vận hành và truyền số liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát.
Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã có 143 trạm quan trắc môi trường tự động được đầu tư lắp đặt và đi vào hoạt động. Trong đó, giám sát chất lượng môi trường nước biển ven bờ có 7 trạm, giám sát chất lượng có 3 trạm, giám sát chất lượng không khí xung quanh có 16 trạm, giám sát hoạt động xả khí thải có 41 trạm và giám sát nước thải có 76 trạm quan trắc. Tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống quan trắc môi trường tự động; chỉ đạo tổ chức chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT, UBND các địa phương.
Các thông tin môi trường đều được công khai bằng nhiều phương thức, như: Qua điện thoại cầm tay (có hỗ trợ ứng dụng phần mềm theo dõi) của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, phòng TN-MT cấp huyện để theo dõi, giám sát và chỉ đạo, điều hành; truyền trực tiếp về Bộ TN&MT theo quy định; truyền đến màn hình hiển thị thông tin môi trường kích thước lớn tại khu vực đường bao biển Trần Quốc Nghiễn (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) để nhân dân theo dõi, giám sát. Đồng thời truyền cả về Cổng thông tin điện tử của Sở TN-MT cùng 10 Trung tâm Hành chính công của 9 địa phương trong tỉnh và Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh để các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể giám sát, nắm bắt kịp thời diễn biến môi trường...
Hàng năm, kết quả các thông số từ các trạm quan trắc môi trường tự động đều được truyền trực tiếp từ các trạm cơ sở về Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN-MT. Tại trung tâm điều hành, khi phát hiện các số liệu chuẩn bị vượt ngưỡng (vạch vàng) hoặc vượt ngưỡng (vạch đỏ), cán bộ trực sẽ thông tin trực tiếp đến doanh nghiệp để có hướng xử lý kịp thời. Trong trường hợp doanh nghiệp chưa khắc phục kịp thời, hoặc tái diễn, Sở TN-MT sẽ mời doanh nghiệp lên lập biên bản, xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Thời gian qua, nhờ hoạt động của các trạm quan trắc môi trường tự động, Sở TN - MT đã có văn bản nhắc nhở nhiều đơn vị về số liệu quan trắc khí thải tự động vượt giới hạn cho phép như: Xi măng Cẩm Phả, Xi măng Thăng Long, Xi măng Hạ Long, Nhiệt điện Mông Dương, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Quảng Ninh...
Bên cạnh hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, tỉnh cũng đã phê duyệt và tổ chức thực hiện quan trắc môi trường chủ động theo mạng điểm quan trắc hiện trạng tỉnh. Trong đó, giai đoạn năm 2015-2019, tỉnh đã xây dựng và hoạt động 140 điểm quan trắc chủ động, gồm: 41 vị trí quan trắc môi trường không khí, tiếng ồn, độ rung; 39 vị trí quan trắc môi trường nước mặt lục địa; 51 vị trí quan trắc môi trường nước biển ven bờ; và 9 vị trí quan trắc môi trường nước dưới đất. Giai đoạn 2020-2025, số điểm quan trắc chủ động theo mạng điểm sẽ tăng lên 382 điểm (gấp 2,7 lần giai đoạn trước). Đồng thời tăng cường tần suất quan trắc đối với một số môi trường thành phần như môi trường nước mặt phục vụ mục đích sinh hoạt: 12 lần/năm/điểm (gấp 2 lần so với giai đoạn 2015-2019); bổ sung mạng điểm quan trắc môi trường đất, môi trường trầm tích khu vực ven biển ngoài Vịnh Hạ Long...; tổ chức quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản gồm 90 điểm quan trắc thuộc 18 vùng nuôi tại 9 địa phương để giám sát, cảnh báo, định hướng phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh…
Trong thời gian tới đây, để nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng các trạm quan trắc môi trường tự động, Sở TN-MT sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, lấy mẫu đối chứng, đánh giá độc lập hoạt động của các trạm quan trắc tự động tại các doanh nghiệp để đảm bảo tính chính xác của các số liệu quan trắc tự động. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND TP Hạ Long kiểm soát chặt chẽ môi trường Vịnh Hạ Long để bảo vệ cảnh quan, môi trường di sản, và tạo thuận lợi trong phát triển ngành du lịch, dịch vụ.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()