Tất cả chuyên mục

Trao đổi với chúng tôi, tác giả của giải pháp “Tiện ích phổ cập trẻ em 5 tuổi” - ông Lê Viết Hiền, cán bộ Phòng GD-ĐT TP Uông Bí, cho biết, là giáo viên rồi là cán bộ quản lý chuyên trách về bậc học mầm non, trong quá trình công tác ông nhận thấy việc tổng hợp dữ liệu phổ cập nói chung và tổng hợp dữ liệu phổ cập cấp học mầm non nói riêng rất mất thời gian, số liệu tổng hợp nhiều khi còn sai lệch, dễ bị nhầm lẫn.
Để giải quyết khó khăn này, Bộ GD-ĐT đã áp dụng phần mềm quản lý thông tin phổ cập giáo dục chống mù chữ vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, do bảng báo cáo với nhiều thông tin, chi tiết, nên dù đã áp dụng phần mềm nhưng việc nhập dữ liệu vẫn còn phức tạp, hơn nữa do phần mềm trực tuyến, nên phụ thuộc vào đường truyền, nên nhiều khi rất chậm. Trong khi, trước mỗi năm học mới, việc cập nhật thông tin phổ cập của trẻ em 5 tuổi trước khi bước vào lớp 1 có đặc tính riêng, cần con số và các thông tin chính xác để có kế hoạch xây dựng, bố trí các lớp học.
![]() |
Tác giả Lê Viết Hiền đang cập nhật số liệu phổ cập trẻ em 5 tuổi trong năm học mới 2015 - 2016. |
Với kiến thức của một cử nhân sư phạm tin học, cũng như niềm đam mê nghiên cứu tin học, từ cuối năm 2013, trên cơ sở ứng dụng phần mềm của Bộ GD-ĐT, ông Lê Viết Hiền đã xây dựng, hoàn thiện giải pháp mang tên “Tiện ích phổ cập trẻ em 5 tuổi” và được áp dụng tại Phòng GD-ĐT TP Uông Bí từ năm 2014 đến nay. Giải pháp sử dụng đồng bộ dữ liệu điều tra theo quy định của Bộ GD-ĐT, được viết trên chương trình excel dựa trên một số hàm như: IF, COUNTIF, AVERAGE… và công thức tính được kết hợp với nhau, mã hoá các thông tin thành ký tự số để tổng hợp. Vì vậy, người sử dụng giải pháp dễ dàng áp dụng, không mất thời gian cài đặt, giao diện dễ quan sát.
Việc áp dụng giải pháp đã giúp cho cán bộ tổng hợp có thể dễ dàng kiểm tra thông tin báo cáo phổ cập cho trẻ em 5 tuổi một cách chính xác, kịp thời theo quy định của Bộ GD-ĐT. Qua đó, nắm được thông tin về quản lý phổ cập giáo dục chống mù chữ, nắm được số trẻ của từng khu vực ở các phường, xã, từ đó có kế hoạch phát triển giáo dục ở mỗi địa phương cho phù hợp. Ngoài ra, việc áp dụng giải pháp để tổng hợp bảng thống kê phục vụ cho việc phổ cập trẻ em 5 tuổi còn cung cấp thêm bảng tổng hợp độ tuổi từ 1 đến 21 tuổi theo từng thôn, khu của các phường, xã, từ đó để các trường học có số liệu chính xác để xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục hàng năm.
Giải pháp còn giúp cho cán bộ làm công tác tổng hợp trong việc tự động cập nhật dữ liệu vào các bảng tổng hợp về: Đội ngũ giáo viên, độ tuổi các em học sinh, số liệu học sinh… Ngoài các dữ liệu điều tra của phần mềm quản lý thông tin phổ cập giáo dục chống mù chữ trực tuyến của Bộ GD-ĐT, giải pháp còn cập nhật thêm các dữ liệu đầy đủ hơn, như: Trẻ em dân tộc được chuẩn tiếng Việt; trẻ bị tử vong; trẻ chuyển đến; trẻ học đủ ngày; trẻ được theo dõi suy dinh dưỡng; trẻ nhẹ cân; trẻ thấp còi…, giúp cho các trường học nắm bắt, báo cáo đầy đủ, cập nhật kịp thời, từ đó có kế hoạch xây dựng, tổ chức lớp học cho các em học sinh một cách hợp lý, hiệu quả.
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Uông Bí đánh giá: Từ khi giải pháp này được áp dụng đã giúp cho việc tổng hợp, cập nhật các dữ liệu, thông số của phòng một cách đầy đủ, chính xác, rút ngắn được thời gian đối với cán bộ làm công tác tổng hợp so với trước đây. Qua đó, giúp cho các trường xây dựng kế hoạch, tổ chức lớp học phù hợp, góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em mầm non, cũng như điều kiện làm việc cho các thầy, cô giáo.
Phạm Hoạch
Ý kiến ()