Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:25 (GMT +7)
Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Thứ 6, 06/10/2023 | 11:09:43 [GMT +7] A A
Trong phát triển kinh tế, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng, quan tâm phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ CNH, HĐH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Theo đó, tỉnh đã có định hướng phát triển công tác đào tạo nghề và dành sự ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này.
Để đảm bảo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đúng đối tượng, có hiệu quả cao, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương, ngành chức năng, tích cực điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động ở các cơ sở SXKD trên địa bàn; chủ động linh hoạt lựa chọn ngành nghề sát với điều kiện, thế mạnh của địa phương.
Với cách làm này, việc dạy nghề từng bước gắn sát với nhu cầu học nghề, cơ cấu việc làm và đặc điểm kinh tế của mỗi địa phương, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng dạy nghề và hiệu quả việc làm cho lao động nông thôn sau đào tạo.
TX Quảng Yên là địa phương qua quá trình đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ đã thu hẹp diện tích nông nghiệp, người dân chuyển dần sang làm các ngành nghề dịch vụ, du lịch ngày càng tăng. Vì vậy, công tác đào tạo nghề được triển khai với nhiều chính sách, chế độ ưu đãi, thu hút sự quan tâm của người dân. Anh Lê Quốc Tuấn (phường Hà An, TX Quảng Yên) sau khi được tham gia khóa đào tạo nghề lái xe do thị xã tổ chức, đã đầu tư ô tô chạy taxi. Cùng với công việc kinh doanh tự do và chạy taxi, mỗi tháng anh Tuấn có thu nhập thêm gần chục triệu đồng.
Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua TX Đông Triều đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương. Theo đó, TX Đông Triều đã tích cực khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của người lao động, dự báo thị trường việc làm, để từ đó mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Theo thống kê sơ bộ, hiện số người sau đào tạo phát huy được hiệu quả làm việc trên địa bàn thị xã đạt khoảng 80%. Nhiều lao động nông thôn thuộc hộ nghèo đã có việc làm và thoát nghèo thành công, có hộ đã có thu nhập khá.
Anh Nguyễn Đức Tuyến (thôn Quảng Mản, xã Bình Khê, TX Đông Triều) cho biết: Trước đây thu nhập của gia đình tôi chủ yếu từ trồng lúa nên khá bấp bênh, kinh tế không ổn định. Sau khi tham gia lớp tập huấn ngắn hạn về kỹ thuật trồng hoa của thị xã, tôi đã chuyển đổi 0,7ha của gia đình sang trồng hoa. Đến nay, gia đình tôi có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm từ trồng hoa ly, dơn, cúc.
Quảng Ninh đang trên đà tăng trưởng nhanh, do đó yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng lớn. Một trong những giải pháp lâu dài được tỉnh xác định là tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo đó, tỉnh tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động. 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ 740 lao động được học nghề phi nông nghiệp, chiếm 69,82% tổng số lao động được hỗ trợ học sơ cấp nghề.
Cùng với đó, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã có sự chuyển biến tích cực theo định hướng đào tạo nghề của Bộ NN&PTNT. Cụ thể, đào tạo nghề gắn với tái cơ cấu ngành, đào tạo gắn với công nghệ cao, gắn với quy hoạch sản xuất và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đối tượng đào tạo là những nông dân nòng cốt, lao động nằm trong vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có liên kết sản xuất với doanh nghiệp... 9 tháng năm 2023 đã hỗ trợ 320 lao động được học nghề nông nghiệp, chiếm 30,18% tổng số lao động được hỗ trợ học sơ cấp nghề.
Với nhiều giải pháp đã và đang triển khai chính là nền tảng cơ bản trong quá trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()