Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:01 (GMT +7)
Ngành Y tế Quảng Ninh đi đầu trong chuyển đổi số
Thứ 3, 01/03/2022 | 09:46:42 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh tỉnh đang bắt tay vào tiến trình chuyển đổi số toàn diện, ngành Y tế Quảng Ninh đã tích cực đi đầu ứng dụng CNTT vào hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh. Nhờ đó, không chỉ nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn mang lại nhiều đột phá trong công tác quản lý, điều hành.
Từ năm 2010, nhiệm vụ ứng dụng CNTT đã bắt đầu được ngành Y tế Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ưu tiên đầu tư và thực hiện xuyên suốt trong hoạt động của ngành với yêu cầu quyết liệt: Không chỉ “đẩy mạnh”, “tăng cường”, mà phải áp dụng thực chất, có hiệu quả thực tế vào mọi hoạt động nhằm giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, thuận lợi và chất lượng hơn. Với định hướng đó, trong giai đoạn 2010-2015, Sở Y tế Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, tích cực đầu tư hoàn thiện cơ bản các hạ tầng CNTT, với 100% đơn vị có phòng máy chủ và 100% máy tính được kết nối internet để phục vụ công việc. Các phần mềm quản lý, điều hành y tế, như: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh (HIS, LIS, PACS), phần mềm quản lý khám chữa bệnh thống nhất tại 177 trạm y tế tuyến xã; các phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4); trang thông tin điện tử tổng hợp... đã được ứng dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Việc ứng dụng thống nhất các phần mềm CNTT đã giúp cắt giảm từ 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong ngành Y tế; tiết kiệm trung bình 20-30 phút cho cả quy trình khám bệnh của bệnh nhân; giúp điều phối, phân luồng bệnh nhân, tránh quá tải những giờ cao điểm mỗi ngày...
Đặc biệt, từ năm 2012, ngành Y tế tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu cả nước trong triển khai xây dựng hệ thống Telemedicine (y tế từ xa) đến tất cả các đơn vị tuyến huyện phục vụ công tác hội chẩn từ xa, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật qua mạng internet. Đến nay, toàn tỉnh đã có 24 điểm cầu (trong đó có 10 đơn vị được kết nối 2 điểm tại phòng hội chẩn và phòng mổ). Hệ thống Telemedicine của tỉnh cũng đã kết nối đến 18 bệnh viện tuyến Trung ương theo đề án Khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế (Telehealth). Việc ứng dụng và triển khai Telemedicine đã giảm tải, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành Y tế Quảng Ninh. Thay vì phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, công nghệ truyền hình tương tác đã giúp các bệnh viện của Quảng Ninh có thể kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ tại nhiều bệnh viện để chẩn đoán cấp cứu cấp tốc, thực hiện ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch... Bên cạnh yếu tố hỗ trợ cứu chữa kịp thời, theo ước tính, Telemedicine mỗi năm còn giúp bệnh nhân và người nhà tiết kiệm nhiều tỷ đồng...
Tiếp đó, giai đoạn 2016-2020, ngành Y tế tỉnh đã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động chuyên môn với nhiều nhiệm vụ trọng tâm được hoàn thành. Nổi bật là việc đồng bộ và kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh thực hiện thanh toán, giám định điện tử với BHXH; ứng dụng chữ ký số và trao đổi văn bản điện tử trong toàn ngành; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử; thí điểm xây dựng kết nối các ứng dụng của ngành với mô hình Trung tâm điều hành của tỉnh, Sở Y tế; kết nối liên thông nhà thuốc, bán thuốc và kê đơn thuốc điện tử với hệ thống thông tin dược quốc gia, bản đồ số y tế... Và đặc biệt là việc xây dựng mô hình bệnh viện thông minh tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2020, ngành Y tế đánh dấu thành công về ứng dụng CNTT khi hoàn thành mục tiêu triển khai bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi (Quảng Ninh là tỉnh có số đơn vị được Cục CNTT (Bộ Y tế) phê duyệt triển khai bệnh án điện tử nhiều nhất cả nước với 3 trên tổng số 10 viện và hoàn thành trước 3 năm so với quy định). Các bệnh viện trên hiện đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng CNTT với hệ thống máy chủ trung tâm, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng, bảo mật, thiết bị ngoại vi hỗ trợ bác sĩ và bệnh nhân. Đặc biệt, hồ sơ bệnh án điện tử đã thay thế hồ sơ giấy, nhằm góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, xây dựng bệnh viện ngày càng hiện đại, thông minh. Trong hồ sơ bệnh án điện tử có các phần mềm hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) đã giúp thầy thuốc dễ dàng tìm kiếm thông tin bệnh nhân hay tiền sử của những lần khám trước đó để thuận lợi khi điều trị và tăng an toàn cho người bệnh.
Đặc biệt, trong suốt 2 năm căng mình chống đại dịch Covid-19, việc ứng dụng CNTT trong ngành Y tế đã góp phần đắc lực giúp Quảng Ninh vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép 2 năm liên tiếp. Theo đó, các giải pháp CNTT hỗ trợ phòng, chống dịch đã được triển khai trong toàn ngành và với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, như: Khai báo y tế tự nguyện NCOVI dành cho người dân; khai báo y tế khi di chuyển bao gồm trong nước và di chuyển nội địa: tokhaiyte.vn (Vietnam Health Decralation); Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm thông qua bluetooth của điện thoại thông minh; hệ thống bản đồ chống dịch: An toàn COVID (antoancovid.vn) để các cơ sở KCB công bố an toàn Covid-19 hằng ngày; kiểm soát y tế bằng QR Code... Đồng thời, phần mềm quản lý xét nghiệm Covid-19 của tỉnh đã giúp cho việc lấy mẫu xét nghiệm nhanh, chính xác, giảm nhân lực và hỗ trợ việc trả kết quả nhanh, cũng như tổng hợp báo cáo kịp thời. Các phần mềm tổng hợp, phân tích, dự báo dịch bệnh được ứng dụng, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, Bộ Y tế chỉ đạo kịp thời truy vết, ngăn chặn, khoanh vùng, cách ly, dập dịch, điều trị bệnh hiệu quả...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()