Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 20:07 (GMT +7)
Hiệu quả của các hoạt động khuyến ngư
Thứ 2, 12/07/2021 | 08:09:36 [GMT +7] A A
Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh. Từ đó, giúp hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh có thu nhập ổn định, bền vững.
Từ các nguồn kinh phí, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã liên tục đề xuất và triển khai thực hiện các mô hình sản xuất tôm tiên tiến, chuyển dịch từ phương thức quảng canh cải tiến sang thâm canh, siêu thâm canh, nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, tiên tiến.
Có thể kể đến Dự án xây dựng mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn bằng công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh phía Bắc thí điểm từ tháng 3/2020 với diện tích 1,3 ha do 3 hộ tham gia. Sau 78 ngày nuôi thả trên 171 vạn con giống, tỷ lệ tôm sống đạt trên 80%, kích cỡ dao động 50-55 con/kg, tổng sản lượng mô hình là 27.4 tấn/1,3 ha.
Đến nay, các hộ dân đã thu hoạch tôm thương phẩm với giá bán bình quân từ 134 - 140 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận đạt trên 1,2 tỷ đồng/ha. Ngoài năng suất và sản lượng tôm nuôi đều vượt kế hoạch đặt ra, dự án còn mang lại hiệu quả xã hội, môi trường như: Dịch bệnh được kiểm soát tối đa, tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm được hạn chế, chất lượng sản phẩm cao hơn…
Bên cạnh đó, với nhiều chính sách khuyến khích nuôi trồng thủy sản tập trung, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giao các quy trình nuôi mới theo hướng an toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Tiêu biểu như: Mô hình chuỗi sản xuất hàu Thái Bình Dương thương phẩm gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm; Dự án “Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm Ngao giá gắn với tiêu thụ sản phẩm; Mô hình nuôi cá chim vây vàng trong lồng vật liệu mới theo hướng công nghiệp.
Đặc biệt, việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ khai thác, bảo quản (ngư lưới cụ, thiết bị thông tin, ánh sáng, máy dò, tời thu lưới, thu câu, hầm bảo quản…) trong khai thác thủy sản xa bờ đã nâng cao khả năng vươn khơi bám biển của các tàu. Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng đã mạnh dạn đề xuất, triển khai mô hình thay thế hoàn toàn ánh sáng đèn truyền thống (đèn Siu) bằng đèn Led từ nguồn xã hội hóa công tác Khuyến nông với quy mô và nguồn kinh phí lớn nhất và đồng bộ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.
Song song với nhiệm vụ phát triển sản xuất, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã quan tâm đến một số loài thủy sản đặc hữu, những nguồn gen quý như rươi, sá sùng, ngán… và đang từng bước tác động phù hợp vào điều kiện tự nhiên qua việc giữ gìn điều kiện sinh thái vùng nuôi, tạo sinh cảnh phù hợp, tăng mật độ, bổ sung thức ăn cho vật nuôi, nghiên cứu các hình thức khai thác, sơ chế, chế biến tăng giá trị kinh tế...
Các chương trình tiêu biểu có thể kể đến như: Dự án phát triển vùng nuôi rươi thương phẩm kết hợp canh tác lúa hữu cơ tại Quảng Ninh; Dự án Tạo dựng bãi rạn nhân tạo vùng biển đảo Cô Tô nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản…
Các dự án và mô hình khuyến ngư đã góp phần tăng sản lượng và chất lượng của ngành Thủy sản. Trung bình hằng năm, tổng sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh đều tăng khoảng 5,32%, trong đó sản lượng khai thác thủy sản tăng bình quân 2,94%; sản lượng nuôi trồng tăng 8%. Diện tích nuôi trồng thủy sản cũng tăng so với năm 2015. Trong đó, vùng nuôi tôm đạt 9.662 ha, tăng 6.915 ha; nuôi cua kết hợp cá, tôm với diện tích hiện nay 1.730,6 ha, tăng 824,6 ha; nuôi thủy sản nước ngọt đạt 2.451 ha, tăng 981 ha.
Quảng Ninh đã chủ động sản xuất giống thủy sản đạt 1 tỷ con giống/năm, đáp ứng được khoảng 30% so với nhu cầu giống của tỉnh; thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản tập trung có trọng tâm, trọng điểm, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; tổ chức triển khai hiệu quả chính sách phát triển thủy sản…
Theo ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Trung tâm sẽ tiếp tục bám sát đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chiến lược phát triển, quy hoạch ngành nông nghiệp tại các địa phương nói chung, cũng như nhu cầu của nông dân nói riêng để lựa chọn nội dung hoạt động khuyến nông phù hợp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nhằm thúc đẩy, nhân rộng các mô hình hiệu quả, ứng dụng KHCN; đẩy mạnh xúc tiến xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm... Từ đó, vừa tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn.
Dương Hà
Liên kết website
Ý kiến ()