Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:00 (GMT +7)
Hiệu quả công tác tuyên truyền ở vùng dân tộc thiểu số
Thứ 6, 02/12/2022 | 14:50:31 [GMT +7] A A
Trong công tác DS-KHHGĐ, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, làm thay đổi nhận thức của các gia đình sinh con một bề là bài toán khó với ngành dân số tỉnh, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo. Vì thế, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng, để người dân nắm và hiểu rõ các pháp lệnh về dân số, góp phần ổn định chất lượng dân số.
Quảng Lâm là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đầm Hà. Xã hiện có 740 hộ, 3.033 nhân khẩu, 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người DTTS chiếm 98% dân số của xã. Tiếp cận các chính sách DS-KHHGĐ của người dân nơi đây còn hạn chế.
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ dân số, cộng tác viên dân số xã đã không quản ngại khó khăn vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, đưa các chính sách DS-KHHGĐ đến gần với người dân hơn. Để làm tốt công tác này, các cán bộ, cộng tác viên dân số rà soát, nắm chắc những đối tượng nào có nguy cơ cao để có những biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ kịp thời.
Đội ngũ này đến từng hộ gia đình, vận động chị em phụ nữ chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ phù hợp để không mang thai ngoài ý muốn; tuyên truyền nam giới thực hiện bình đẳng giới, nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải sinh con trai để nối dõi tông đường, cùng chị em thực hiện KHHGĐ.
Chị Chìu Kim Kiều, cán bộ dân số xã Quảng Lâm, cho biết: Chúng tôi phối hợp với hội phụ nữ, đoàn thanh niên đến tuyên truyền cho bà con, nhất là đồng bào người DTTS; tuyên truyền phải dễ hiểu, dễ nghe thì bà con mới thay đổi được nhận thức. Từ đó, người dân chủ động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giáo dục con cái tốt, xây dựng gia đình ngày càng tiến bộ, hạnh phúc, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhờ hiệu quả trong công tác tuyên truyền, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở xã Quảng Lâm đã giảm đáng kể; phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã biết sử dụng các phương tiện tránh thai phù hợp. Trong các buổi tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), người dân đều tham gia nhiệt tình, tích cực. Các chương trình nâng cao chất lượng dân số được đẩy mạnh, như: Tầm soát chẩn đoán trước sinh; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên; tư vấn tiền hôn nhân; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh...
Trạm Y tế xã thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe nhân dân bằng nhiều hình thức: Chiến dịch truyền thông tại cơ sở; lồng ghép tại các buổi họp bản; pano, áp phích, loa truyền thanh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, trường học triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho bà mẹ, trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích, suy dinh dưỡng ở trẻ em...
Các xã vùng DTTS của tỉnh tập trung phát triển kinh tế nhằm nâng cao chất lượng sống, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ dạy nghề cho người dân; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín (già làng, trưởng bản, trưởng thôn...). Nhờ đó, người dân đã có nhận thức đúng, đầy đủ, kết hôn đúng độ tuổi theo quy định. Các địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS cao như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên..., hoạt động truyền thông cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS đến người dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa được thực hiện hiệu quả.
Ngành dân số tỉnh chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, tập trung vào các nội dung: Mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3; SKSS vị thành niên, thanh niên; tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... Qua đó, tỷ lệ các cặp vợ, chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt cao; nhiều cặp vợ, chồng sinh con một bề, đã có 2 con đều dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()