Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:27 (GMT +7)
Hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Thứ 3, 11/01/2022 | 10:26:38 [GMT +7] A A
Công tác hòa giải ở cơ sở được triển khai hiệu quả đã giải quyết kịp thời những tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần gìn giữ sự đoàn kết trong nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022” (được phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ), Sở Tư pháp đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện; quan tâm củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Giai đoạn 1 (2019-2020), 100% tổ hòa giải cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu; 65% trở lên hòa giải viên cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành (đối với các xã, phường, thị trấn chọn làm điểm đạt 100%). Kết thúc năm 2020, 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên ở cơ sở.
Giai đoạn 2 (2021-2022), ít nhất 90% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; 90% trở lên hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, trong đó 100% hòa giải viên ở cơ sở mới được bầu, bổ sung, kiện toàn hằng năm đều được tập huấn, bồi dưỡng.
Các nội dung hoạt động bám sát các văn bản, hướng dẫn của trung ương, mục tiêu đề ra, đảm bảo tính khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; xác định nhiệm vụ cụ thể, thời gian tiến hành, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện đề án. Cùng với đó, phát huy vai trò nòng cốt của ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải ở cơ sở, gắn công tác hòa giải với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Căn cứ vào kế hoạch hằng năm, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị biên soạn, phát hành sách Hỏi - Đáp pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật mới và một số tình huống thực tế trong hòa giải ở cơ sở để cấp phát cho các tổ hòa giải ở cơ sở, công chức tư pháp - hộ tịch, phòng tư pháp, đăng tải trên Cổng thông tin của Sở, Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn kết hợp cấp phát tài liệu bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong việc khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở, đăng tải các tài liệu, tin bài, ấn phẩm về công tác hòa giải ở cơ sở trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp, Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, mạng xã hội, fanpage...
Năm 2021 Sở Tư pháp đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở tại các huyện Vân Đồn, Bình Liêu, Đầm Hà và TX Quảng Yên, với trên 1.000 lượt người tham dự; các địa phương cũng tích cực tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên, như TP Cẩm Phả, huyện Hải Hà…
Toàn tỉnh hiện có 1.549 tổ hòa giải với 9.050 hòa giải viên. Năm 2021, các tổ hòa giải thành 1.154/1.465 vụ việc tiếp (đạt 80,1%). Bằng những kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải và trên cơ sở tình cảm, đạo lý, các hòa giải viên đã phân tích, đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng để thuyết phục; đồng thời khơi dậy tình đoàn kết, hóa giải mâu thuẫn, bất đồng từ khi mới nhen nhóm tại cơ sở, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, củng cố mối đoàn kết, giảm thiểu vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư.
Thanh Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()