Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:38 (GMT +7)
Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Thứ 5, 27/05/2021 | 08:15:07 [GMT +7] A A
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương là một trong những giải pháp đang được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp bền vững.
Những ngày này, hộ anh Đỗ Xuân Lịch (xã Bắc Sơn, TP Móng Cái) đang tất bật thu hoạch vụ dứa đầu tiên, giống cây mà anh chọn để trồng thay thế một số loại cây ăn quả kém hiệu quả trước đó. Anh chia sẻ: Trong chuyến đi thăm tỉnh Lào Cai, tôi nhận thấy cây dứa ở đây rất phát triển, quả to, ngọt, du khách rất ưa chuộng. Tôi đã mạnh dạn mua về trồng thử nghiệm 2ha. Giống dứa này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng vùng đồi ở Bắc Sơn, không phải mất nhiều công chăm sóc như các giống cây khác. Sau 1 năm đầu tư, đồi dứa đã cho thu hoạch, giá bán từ 15.000-25.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Huyện Bình Liêu, những năm gần đây nhiều diện tích vườn tạp, đất trồng lúa... kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng các giống mới cho năng suất, hiệu quả cao, như: Cam, dong riềng, ổi, rau an toàn... HTX Tân Cường Phát là đơn vị đi đầu trên địa bàn huyện áp dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới, diện tích 750m2. Được huyện hỗ trợ trên 200 triệu đồng, HTX đối ứng hơn 450 triệu đồng để xây dựng nhà lưới, hệ thống phun mưa, tưới nước nhỏ giọt, thông gió..., bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.
Ông Hoàng Phúc Hiếu, Chủ nhiệm HTX Tân Cường Phát, cho biết: Nhà lưới ngăn cản được một phần ánh nắng, gió và các loại côn trùng, sâu bệnh gây hại, cây rau không còn phụ thuộc vào thời tiết, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trồng không có nhà lưới. Trong quá trình canh tác rau, gần như không phải sử dụng đến thuốc trừ sâu, phân hóa học, chỉ xử lý nấm bệnh trong đất khi cần.
Chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương đã được cụ thể hóa bằng: Quyết định số 2901/QĐ-UBND ngày 5/12/2014 của UBND tỉnh về "Chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2014-2016"; Nghị quyết số 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2017-2020"...
Qua đó đã thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất tập trung, như vùng sản xuất lúa chất lượng cao 4.690ha, tăng 115ha; vùng trồng rau an toàn 348ha, tăng 14ha; vùng trồng vải 972ha, tăng 22ha; vùng trồng cam 545ha, tăng 222ha...
Riêng giai đoạn 2017-2020, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi trên 3.160ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao. Một số mô hình tiêu biểu chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, như: Trồng cây ngô cao sản, ngô sinh khối tại các huyện Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên cho lợi nhuận cao hơn 10 triệu đồng/ha so với trồng lúa; vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) cho thu nhập bình quân 270 triệu đồng/ha/năm; trồng cây ổi tại TP Hạ Long cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/ha/năm...
Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung những giống cây chất lượng cao đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng. Giai đoạn 2017-2020, sản lượng lương thực toàn tỉnh tăng từ 219.200 tấn lên 224.300 tấn; năng suất lúa từ 47,1 tạ/ha lên 51 tạ/ha; sản lượng rau tăng từ 157.578 tấn lên 166.456 tấn.
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh có trên 3.200ha đất trồng lúa kém hiệu quả có nhu cầu chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác. Trong đó, có gần 1.200ha chuyển sang trồng cây hằng năm; trên 1.870ha chuyển sang trồng cây lâu năm; 130ha chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, định hướng xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung vào các nhóm sản phẩm: Cây có lợi thế cạnh tranh và tăng giá trị gia tăng lớn; cây công nghiệp lâu năm; nhóm sản phẩm tiềm năng; nhóm sản phẩm hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi.
Để việc chuyển đổi này được minh bạch, đúng quy định, tránh tình trạng người dân chuyển đổi tự phát, theo thời vụ, UBND tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu, điều chỉnh đơn giản hóa, rút gọn thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây hằng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện. Đồng thời, khuyến nghị người dân, tuyệt đối không được tự ý chuyển đổi diện tích trồng lúa sang mục đích khác. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan, góp phần nâng cao nhận thức của người dân; thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong chuyển đổi sai mục đích sử dụng đất.
Ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Với vai trò nòng cốt, Sở tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung chuyển đổi; xây dựng cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng chuyển đổi, từng chất đất, tập quán sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh các hình thức liên kết sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất… Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()