Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:35 (GMT +7)
Hiểu đúng, nhận biết sớm và dự phòng hiệu quả bệnh cúm A
Thứ 7, 23/07/2022 | 09:50:00 [GMT +7] A A
Trong những ngày qua, đã có nhiều người mắc cúm A và có người đã phải nhập viện. Hiểu biết đúng về bệnh, nhận biết bệnh sớm, theo dõi tích cực và dự phòng hiệu quả là cách chủ động để đẩy lùi bệnh cúm A ở từng cá nhân và cho cả cộng đồng.
1. Bệnh cúm và virus cúm
Bệnh cúm trong đó có cúm A là một bệnh truyền nhiễm do virus cúm gây ra. Các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Biểu hiện thường gặp gồm sốt, chảy nước mũi, đau họng, đau cơ, đau đầu, ho và mệt mỏi... Các triệu chứng này bắt đầu từ 1-4 ngày sau khi tiếp xúc với virus và kéo dài trong khoảng 2–8 ngày.
Ở trẻ em có thể gặp tiêu chảy và. Bệnh cúm có thể tiến triển thành viêm phổi, có thể do virus gây ra hoặc do nhiễm vi khuẩn sau đó. Một số biến chứng nặng của nhiễm cúm có thể gặp như hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS, viêm màng não, viêm não… tình trạng này làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe đã có từ trước như hen và bệnh tim mạch.
Có bốn loại virus cúm, được gọi là virus cúm A, B, C và D phân biệt dựa vào đặc tính nguồn chứa, đặc tính lây truyền, tính chất gây bệnh. Virus Cúm A (IAV) có nguồn chứa chính là các loài chim, gia cầm và cũng phổ biến ở các động vật có vú khác nhau, bao gồm cả người và lợn.
Virus Cúm B (IBV) và virus Cúm C (ICV) chủ yếu lây nhiễm từ người sang người, và virus Cúm D (IDV) được tìm thấy ở gia súc và lợn.
Virus cúm A và virus cúm B lưu hành ở người và gây ra các vụ dịch theo mùa; virus cúm C thường gây tình trạng nhiễm nhiễm trùng nhẹ và chủ yếu gặp ở trẻ em; virus cúm D có thể lây nhiễm sang người nhưng chưa được được ghi nhận có vai trò gây bệnh.
Ở người, virus cúm chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn hô hấp được tạo ra từ ho và hắt hơi. Sự lây truyền qua không khí và tiếp xúc qua các vật thể trung gian hay bề mặt bị nhiễm virus cũng có thể xảy.
2. Virus cúm A
Trong số 4 loại virus cúm, thì cúm A thường được đề cập đến nhiều nhất do đặc tính cấu trúc của virus mang tính tổ hợp kháng nguyên, tạo nên các phân nhóm cúm A khác, dẫn đến tính chất lây truyền khác nhau, biểu hiện bệnh lý cũng khác nhau:
Virus cúm A thường có dang hình cầu, nhưng đôi khi có dạng hình sợi, vật liệu di truyền là sợi ARN, vỏ là một lớp lipid, cùng với những cấu trúc sợi glycoprotein xuyên qua màng tạo thành các cấu trúc kháng nguyên của virus. Đó là kháng nguyên hemagglutinin (còn gọi là kháng nguyên H) và kháng nguyên neuraminidase (còn gọi là kháng nguyên N). Kháng nguyên H còn được gọi là yếu tố ngưng kết hồng cầu giúp virus bám vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, từ đó xâm nhập vào trong tế bào.
Kháng nguyên H còn có thể bám vào màng hồng cầu người và một số loài động vật khiến những hồng cầu này dính nhau.
Kháng nguyên N làm loãng chất nhầy ở đường hô hấp, giúp virus dễ dàng tiếp xúc với tế bào của niêm mạc. Kháng nguyên N còn giúp virus xâm nhập tế bào dễ dàng hơn, hỗ trợ cho sự lắp ráp các thành phần của virus và thoát ra khỏi tế bào.
Kháng nguyên H và N quyết định khả năng gây bệnh của virus cúm và mang tính đặc hiệu của nhóm huyết thanh. Hiện có 15 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N. Những cách tổ hợp khác nhau của 2 loại kháng nguyên H và N tạo nên các phân nhóm khác nhau của virus cúm A.
Các phân nhóm cúm A "nổi tiếng" do đã gây thành các vụ dịch có thể kể đến như: cúm A/H1N1 gây đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918; bùng phát dịch năm 2009 ở Mexico, Mỹ, Canada, Anh, tây Ban Nha; cúm A/H5N1 (cúm gia cầm) bùng phát năm 2005, gây dịch ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, hiện nay vẫn xuất hiện lẻ tẻ và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch; cúm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc giai đoạn 2013-2018; cúm A/H5N8 gây một số vụ bùng phát năm 2020-2021. Cúm A/H3N2 là phân nhóm thường gặp lưu hành và gây bệnh hiện nay.
3. Khả năng tồn tại ở môi trường và lây bệnh của virus cúm A
Virus cúm A có khả năng tồn tại khá lâu trong môi trường bên ngoài. Virus có thể sống 48h trên các bề mặt thông thường như tay nắm cửa, bề mặt bàn, ghế… Trên quần áo virus có thể tồn tại từ 8-12 giờ. Trên da lòng bàn tay virus có thể tồn tại được 5 phút. Virus cúm A có thể tồn tại rất lâu trong môi trường nước. Chúng có thể tồn tại được lên đến 4 ngày trong nước ở nhiệt độ 220C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 00C.
Thông qua phương thức lây truyền chủ yếu là "giọt bắn" và "không khí", virus cúm A đi vào cơ thể qua đường hô hấp, xâm nhiễm các tế bào niêm mạc đường hô hấp trên, gây tổn thương niêm mạc khiến người bệnh xuất hiện các phản xạ ho và hắt hơi. Bệnh cúm A có thời gian ủ bệnh ngắn, diễn biến nhanh chóng, mức độ miễn dịch cao nhưng không lâu bền. Đó là những nguyên nhân khiến bệnh cúm A dễ lây lan và bùng phát thành dịch.
4. Những biểu hiện thường gặp của bệnh cúm A
Các triệu chứng của cúm A thường xuất hiện đột ngột. Các dấu hiệu thường gặp gồm: sốt kèm cảm giác ớn lạnh, người bệnh thường bị sốt trên 380C; nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, ăn không ngon, cơ thể suy nhược; đau họng, ho khan; hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi; có khi khó thở; trẻ em có thể gặp nôn và tiêu chảy.
Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi mà không cần các can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra. Đặc biệt là những người có hệ miễn dịch yếu dễ dẫn tới nguy cơ bị các biến chứng liên quan đến cúm như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai. Những đối tượng này cần theo dõi triệu chứng và có hướng điều trị kịp thời khi bị nhiễm cúm A, vì trong một vài trường hợp cúm có thể dẫn đến tình trạng nặng và có thể tử vong.
5. Theo dõi và điều trị cúm A tại nhà
Trong trường hợp mắc cúm A mà không có diễn biến quá nghiêm trọng, người bệnh có thế điều trị tại nhà theo các nguyên tắc sau: cách ly, hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu cần phải tiếp xúc phải mang khẩu trang; vệ sinh mũi họng, vệ sinh tay, vệ sinh bề mặt xung quanh người bệnh; tạo môi trường xung quanh thoáng.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi tích cực, thư giãn, uống nhiều nước, ăn thức ăn mềm, ăn nhiều trái cây, rau. Sử dụng các thuốc an toàn để hạ sốt, giảm ho, giảm đau họng. Không tự ý dùng các thuốc chống viêm, thuốc kháng virus nếu không có chỉ định của bác sỹ. Trường hợp bệnh diễn biễn dai dẳng hoặc có các dấu hiệu nặng cần đến các cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời.
6. Dự phòng bệnh cúm
Khi có nguồn bệnh cúm trong cộng đồng cần hạn chế đến nơi đông người. Bệnh cúm dễ lây lan ở nơi tập trung đông người như nhà trẻ, trường học, văn phòng, khu vực công cộng, cần mang khẩu trang trong trường hợp phải giao lưu tiếp xúc.
Rửa tay đúng cách và thường xuyên ; Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho; ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khu vực bên trong khuỷu tay; Vệ sinh bề mặt có thể chứa virus cúm; Tiêm vắc-xin phòng cúm là biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả- theo khuyến cáo của Tổ chức y thế thế giới (WHO).
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()