Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 15:00 (GMT +7)
Hiệp định RCEP có hiệu lực: Cơ hội thúc đẩy thương mại và đầu tư
Thứ 7, 01/01/2022 | 15:18:42 [GMT +7] A A
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Với quy mô thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, Việt Nam - 1 trong nhóm 6 nước đầu tiên của ASEAN phê chuẩn Hiệp định RCEP kỳ vọng Hiệp định này sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài, góp phần thúc đẩy thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được 10 nước Thành viên ASEAN ký kết với các nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand vào ngày 15/11/2020 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo đánh giá, sau khi có hiệu lực đầy đủ - với tất cả các nước tham gia ký kết - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27.000 tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Đáng chú ý, sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan.
Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình (sau 20 năm) Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP.
Một điểm khác biệt của Hiệp định này là thay vì 5 hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác trước đây ta phải áp dụng, tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường đó được hưởng ưu đãi thuế thì hiệp định này tạo nên một bộ quy tắc xuất xứ hài hòa.
“Có nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ tất cả các nước trong khu vừa RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất ra hàng hóa và xuất khẩu đi bất cứ nước nào trong số các thành viên RCEP này cũng đều được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ,” bà Nga cho hay.
Cùng đó, rất nhiều cơ hội được chỉ ra sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, mà thủy sản là một trong những ngành được đánh giá là có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP.
Việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết ngoài các thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác tham gia RCEP đều là các đối tác quan trọng của ngành thuỷ sản.
Theo thống kê, xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường RCEP hiện chiếm khoảng 52% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Ngoài các cơ hội về xuất xứ cộng gộp trong nội khối.
Do vậy, theo bà Lê Hằng, vấn đề thống nhất quy tắc xuất xứ tạo điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông chuỗi cung ứng trong khối, là một cơ hội rất tốt cho doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ ASEAN để xuất khẩu sang 5 nước còn lại trong khối, hoặc là nhập khẩu nguyên liệu từ 5 nước lớn đó để gia công chế biến cho chính các đối tác tại những nước này.
Còn theo tiến sỹ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, không chỉ những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu hiện nay cũng đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng của thế giới (như dệt may, da giày, đồ gỗ…) thì RCEP còn tạo cơ hội cho phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ và đầu tư.
Chuyên gia này nhấn mạnh, đây là khu vực rất hấp dẫn đầu tư và đã thể hiện rõ ngay cả trong thời COVID-19 này… và khi các nhà đầu tư đến và cùng với các mạng sản xuất chuỗi giá trị thì sự tham gia đó cùng với logistics nữa không chỉ là cơ hội cho phát triển công nghiệp hỗ trợ mà còn là các dịch vụ hỗ trợ cho các mạng sản xuất và các chuỗi cung ứng này..)
Cần nắm chắc để tận dụng hết cơ hội
Hiệp định RCEP còn được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với những cam kết và điều kiện thuận lợi cho di chuyển thể nhân.
Như vậy, năng suất lao động gắn với chất lượng, kỹ năng của đội ngũ lao động Việt Nam và các nước trong ASEAN cũng sẽ có điều kiện nâng cao và cải thiện hơn khi hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, với hơn 90% số doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì vậy theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam.
Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP này.
“Lợi ích của RCEP chủ yếu nằm ở câu chuyện hài hòa các quy tắc về xuất xứ và thuế quan. Vì vậy, để tận dụng được, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu để đáp ứng quy tắc xuất xứ cho tốt nhất,” bà Trang nói.
Cũng theo bà Trang, áp lực về cạnh tranh sau RCEP có thể ở cả thị trường trong nước và ở cả các thị trường RCEP khác, cho nên bản thân các doanh nghiệp cũng phải đầu tư và tăng cường năng lực cạnh tranh của mình để có được các cơ hội tốt nhất.
Dưới góc độ quản lý nhà nước về hoạt động thương mại quốc tế, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ ra những thách thức lớn hơn, thậm chí là “nguy cơ” gian lận xuất xứ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực và đây là điều mà Chính phủ và các bộ ngành và các hiệp hội cũng đã có các cảnh báo rất nhiều.
“Mới đây, Chính phủ cũng đã đưa ra Đề án 824 để nâng cao mức độ cảnh báo cũng như là xử lý các vi phạm về gian lận xuất xứ, song bản thân doanh nghiệp phải có ý thức cao hơn về vấn đề này để cùng nhau ngăn chặn, lên án những hành vi gian lận xuất xứ có thể gây tổn hại đến hoạt động xuất khẩu cũng như tổn hại đến các mặt hàng của Việt Nam,” ông Hải lưu ý.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn cũng sẽ là thách thức lớn đối với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, coi trọng đầu tư công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Về phía Bộ Công Thương đã tổng hợp và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để ban hành chương trình hành động, trong đó sẽ tập trung cung cấp đầy đủ thông tin cho những đối tượng có thể chịu tác động từ Hiệp định, đồng thời, kiến nghị những điều chỉnh về mặt pháp luật về mặt hệ thống chính sách theo hướng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, qua đó có thể đáp ứng được nhu cầu cạnh tranh trong bối cảnh mới.
Ngoài ra, qua việc thực thi sẽ đề ra những biện pháp để hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và có những biện pháp để có thể thu nhận những thông tin từ quá trình kinh doanh, từ đó có thể tham gia hiệu quả vào những cơ chế hợp tác trong Hiệp định này./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()