Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Hiện vật lên tiếng...
Thứ 7, 21/01/2023 | 09:01:03 [GMT +7] A A
Mỗi di vật của lịch sử nghìn năm trên dải đất vùng Đông Bắc Quảng Ninh đều ẩn chứa những giá trị quý báu, và xung quanh nó là vô số câu chuyện đặc sắc, thú vị. Bảo tàng Quảng Ninh hiện lưu giữ hơn 30.000 hiện vật, là một kho di sản như thế. Hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của 5 Bảo vật Quốc gia, đại diện cho các giai đoạn lịch sử trên vùng đất này.
Bình gốm Đầu Rằm, niên đại 3.100 năm
Bình gốm Đầu Rằm được những người thợ khai thác đá tìm thấy năm 1998, tại khu di chỉ khảo cổ học Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, TX Quảng Yên), được xác định có niên đại Phùng Nguyên muộn, cách ngày nay hơn 3.000 năm. Đầu Rằm là nơi cư trú của người Việt cổ thời đại Hùng Vương, theo 2 giai đoạn, cách nay tới 3.200-3.500 năm và 2.000-2.500 năm.
Bình gốm Đầu Rằm được làm bằng đất sét, nung ở nhiệt độ khoảng 700-8000C, tạo ra loại gốm tương đối cứng, còn gọi là gốm chắc. Xương gốm màu xám đen, được làm từ đất sét pha vụn vỏ nhuyễn thể. Áo gốm màu đỏ sẫm, làm bằng đất sét mịn pha bột thổ hoàng. Kỹ thuật tạo xương gốm, áo gốm của cư dân Đầu Rằm tương tự như kỹ thuật chế tác xương gốm, áo gốm của cư dân văn hóa Hạ Long, tiêu biểu là gốm tại các di tích Ba Vũng, hang Bái Tử Long, hang Đông Trong ở Vân Đồn.
Bình nhìn giống chiếc gùi tre, được giới nghiên cứu gọi là một kiệt tác nghệ thuật gốm tiền sơ sử Việt Nam. Bình sử dụng các loại hoa văn trang trí điển hình của gốm văn hóa Phùng Nguyên như: Hình chữ S, chấm dải, rẻ quạt, elip... Trong đó, chủ đạo là hoa văn hình chữ S, cho thấy trình độ tư duy đối xứng của người thợ gốm ở di tích Đầu Rằm. GS Hà Văn Tấn từ những năm 60 của thế kỷ trước đã phát hiện ra tư duy đối xứng của người Phùng Nguyên với 3 biểu hiện đối xứng gương, đối xứng trục và đối xứng tịnh tiến, thường được kết hợp với nhau để tạo nên các băng hoa văn trang trí trên đồ gốm.
Những kỹ thuật đối xứng trên Bình gốm Đầu Rằm cho thấy, cư dân nơi đây thời đại đồng thau sơ kỳ đã biết và vận dụng thành thạo tư duy đối xứng trong trang trí hoa văn gốm, chứ không chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm sản xuất. Sự lặp lại nhiều lần của một họa tiết hoa văn hình chiếc lá theo vành tròn đồng tâm trên vai bình dường như là sự phản ánh nhận thức của con người về những chu kỳ luân chuyển mùa trong năm, sự thay đổi ngày và đêm, nóng và lạnh, trăng khuyết trăng tròn, sự đâm chồi, sinh trưởng, đơm hoa kết quả của cây trái...
Nhiều nhà nghiên cứu về đồ gốm thời đại đồng thau sơ kỳ ở Việt Nam cho rằng, Bình gốm Đầu Rằm là sản phẩm mang hình dáng chiếc gùi tre của vùng trung du miền núi phía Bắc. Dường như người Phùng Nguyên đã từ vùng đất Tổ trên đường đi khai thác và chiếm cư tại vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc đã mang theo hình ảnh quê hương là chiếc gùi tre và đưa vào chiếc bình gốm.
Từ Bình gốm Đầu Rằm, các nhà nghiên cứu về khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, nghề thủ công... có thể từ các góc độ khác nhau mà nghiên cứu về di tích Đầu Rằm. Từ di tích này có thể đặt nền tảng cho nghiên cứu văn hóa Tràng Kênh. Đó chính là cơ sở để tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử Quảng Ninh nói riêng, lịch sử khu vực duyên hải Đông Bắc nói chung trong giai đoạn sơ kỳ đồng thau.
Trống đồng Quảng Chính, niên đại hơn 2.000 năm
Trống đồng được phát hiện tháng 6/1983, nằm dưới mặt đất 50cm trên một đồi trồng chè ở xã Quảng Chính (huyện Hải Hà). Khu vực này nằm bên sông Hà Cối, cách biên giới Việt - Trung 20km, cách biển khoảng 4km. Căn cứ vào hình dáng, phong cách chế tác, đặc biệt là các họa tiết hoa văn trang trí của Trống đồng Quảng Chính, các nhà nghiên cứu cho rằng chiếc trống có niên đại thế kỷ IV-III trước Công nguyên, cách nay hơn 2.000 năm, thuộc giai đoạn văn hóa Đông Sơn.
Văn hoá Đông Sơn là thời kỳ rực rỡ của nền văn hóa Việt cổ. Trống đồng tiêu biểu cho nền văn hóa Đông Sơn và nền văn minh Sông Hồng của người Việt cổ thời kỳ Hùng Vương dựng nước Văn Lang, đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của nền văn hóa dân tộc Việt. Trong những nghi lễ trang nghiêm cũng như dịp hội hè vui vẻ, tiếng trống đồng trầm hùng vang vọng tạo ra một không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc. Còn trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tiếng trống kêu gọi mọi người từ khắp nơi tụ về để cùng chiến đấu và làm cho kẻ thù khiếp sợ...
Trống đồng Quảng Chính là trống đồng đầu tiên được phát hiện ở Quảng Ninh. Nếu như miền Bắc được coi là quê hương của trống đồng ở nước ta thì trống Quảng Chính được tìm thấy xa nhất về phía biển, cũng là vị trí xa nhất về phía Bắc của vùng duyên hải phía Đông Bắc, thể hiện một bộ phận của văn hóa Đông Sơn ở ven biển. Cùng với trống Pha Long phát hiện ở Lào Cai, Trống đồng Quảng Chính chứng minh cho cương vực và tầm ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn kéo dài trên một khu vực rộng lớn từ núi cao đến ven biển.
Trống đồng Quảng Chính mang phong cách đặc trưng của trống đồng Đông Sơn, tuy nhiên lại mang nhiều nét riêng, không giống với bất kỳ một trống đồng nào khác đã được phát hiện. Hoa văn tả thực trên trống được thể hiện vô cùng sinh động với đường cong là chủ đạo, khác với các trống Đông Sơn khác chủ yếu sử dụng các đường thẳng và cong nhẹ. Trên mặt trống là 4 con chim bay thuận chiều kim đồng hồ, trong khi hầu hết các trống đồng chim bay theo chiều ngược lại. Hướng chuyển động của thuyền trên tang trống là từ phải qua trái, trong khi các trống đồng khác chuyển động từ trái qua phải. Trên thân trống là hình 12 con chim đứng với các tư thế cổ khác nhau, rất sinh động, các con chim ở cuối băng hoa văn quay đầu vào nhau.
Trống đồng Quảng Chính là minh chứng cho sự phát triển đến đỉnh cao của kỹ thuật luyện kim thời cổ. Tất cả các họa tiết trang trí trên trống được vẽ, khắc lên khuôn. Hình dáng trống và các họa tiết hoa văn được đúc một lần duy nhất, khi dỡ khuôn thì mới tiếp tục chỉnh sửa những dấu vết chưa ưng ý.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Trống đồng Quảng Chính là tác phẩm nghệ thuật có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho nghệ thuật Đông Sơn ở ven biển, mang trong đó tư duy, thẩm mỹ và vũ trụ quan của cư dân cổ. Trống đồng Quảng Chính cùng với sự hiện diện của các di tích văn hóa Đông Sơn như ở Đầu Rằm (Quảng Yên), ở Quan Lạn (Vân Đồn) và mộ thuyền Phương Nam (Uông Bí) chứng minh chắc chắn có một giai đoạn Đông Sơn trong lịch sử Quảng Ninh.
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần, thế kỷ XIII
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần được phát hiện ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu xưa, trong cuộc khai quật quy mô lớn năm 2017-2018 tại đền An Sinh (xã An Sinh, TX Đông Triều).
Các đồ gốm thời Trần thường có kích thước nhỏ hoặc trung bình. Tuy nhiên, Thống gốm hoa nâu An Sinh có đường kính tới hơn 1m, cao hơn 70cm, nặng tới 126kg, hiện là đồ gốm có kích thước lớn nhất trong hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ Việt Nam thời kỳ phong kiến. Trang trí trên Thống có 6 băng hoa văn ngang, khắc các hình hoa, dây lá, vân mây, rồng bay nhả ngọc phun châu, chim ngậm cành hoa dây..., đều được tô hoa nâu. Với kích thước lớn như vậy lại được tạo khắc hoa văn, tráng men và nung đốt hoàn toàn không có tỳ vết... là những đặc trưng kỹ thuật hiếm có của hiện vật.
Từ vị trí tìm thấy chiếc Thống, căn cứ vào kích thước lớn, hình dáng, hoa văn trang trí được tạo tác tỉ mỉ, nhất là hoa văn 8 con rồng, các nhà nghiên cứu nhận định, có thể đây là đồ dùng của tầng lớp quý tộc Trần hoặc là đồ lễ khí trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình hoặc đời sống tôn giáo thời Trần.
Thống là hiện vật mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn, đại diện tiêu biểu cho dòng gốm hoa nâu, vốn là một trong những sáng tạo quan trọng của nghệ thuật gốm thời Lý-Trần. Sự tồn tại của hiện vật cũng là một may mắn lịch sử trong bối cảnh “rừng đao biển lửa” dưới sự xâm lược, tàn phá của giặc Minh đầu thế kỷ XV, cũng như những biến thiên của lịch sử và tự nhiên sau này, càng khiến chúng ta thêm trân trọng di vật hơn.
Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử thời Trần, thế kỷ XIV
Trên vùng đất Quảng Ninh hôm nay còn lưu lại rất nhiều dấu tích văn hóa người xưa để lại trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà dấu ấn đậm nét nhất là những dấu tích thời nhà Trần, đặc biệt là ở Đông Triều, Uông Bí. Đó có lẽ là cơ duyên để tìm thấy Hộp vàng hình hoa sen ở đây, sau này trở thành một trong 2 Bảo vật Quốc gia đầu tiên được công nhận của Quảng Ninh năm 2018.
Việc tìm thấy Hộp vàng khá tình cờ. Chiều 21/6/2012, trong quá trình thi công mở rộng con đường “hành hương” từ Trại Lốc (xã An Sinh) lên di tích Ngọa Vân (Đông Triều) - nơi vua Trần Nhân Tông hóa Phật, nhà sư trụ trì chùa Trung Tiết trên địa bàn cùng phật tử đi lễ Phật tại Ngọa Vân ngang qua đây, đã vô tình phát hiện một chiếc hộp vàng do máy xúc đào lộ ra từ sườn đồi. Cơ duyên này đã giúp các nhà khoa học khám phá thêm nhiều điều về nhà Trần và vùng đất An Sinh - quê gốc của vương triều Trần, với quần thể di sản chùa, đền, miếu, am tháp, lăng tẩm gắn với thời Trần vô cùng phong phú tại đây.
Chiếc Hộp vàng này được các nhà khoa học xác định có niên đại thời Trần, nửa đầu thế kỷ XIV. Và đây là cốc/bát Át già, một trong 6 vật khí quan trọng sử dụng trong nghi lễ Phật giáo mang những yếu tố của Phật giáo Mật tông. Cái tên Hộp vàng Ngoạ Vân - Yên Tử chính là thể hiện không gian văn hóa nhà Trần liên quan đến di vật, mối quan hệ gắn với Thiền phái Trúc Lâm và 3 vị Tổ là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang với không gian mở rộng, kéo dài suốt cả dãy Yên Tử. Yên Tử ở đây là không gian văn hoá rộng lớn trong lịch sử, vốn kéo dài từ Uông Bí, Đông Triều, sang cả Bắc Giang, Hải Dương theo vệt của Thiền phái Trúc Lâm. Cái tên Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử thể hiện mối quan hệ giữa 2 thực thể, gắn với câu chuyện tu hành đắc đạo của Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm. Trong đó, Yên Tử là nơi Trần Nhân Tông về đây tu hành năm 1299, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, còn Ngọa Vân là nơi kết thúc quá trình tu tập của Ngài.
Bên cạnh giá trị lịch sử, chất liệu quý giá, Hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử còn là một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao với hình dáng, hoa văn được tạo tác rất hoàn hảo. Toàn thân hộp giống như một bông sen đang độ “mãn khai”.
Theo các nghệ nhân của làng chạm vàng bạc Đồng Xâm (Thái Bình), chiếc hộp được làm bằng kỹ thuật gò trên khuôn, chân và thân được hàn liền sau khi gò. Hoa văn được chạm khắc thủ công, sử dụng các loại hoa văn trang trí điển hình của thời Trần như: Hoa sen, hoa chanh, văn mây... với các đường nét và họa tiết nhỏ rất sắc nét, tinh xảo trên nền thành hộp rất mỏng.
Kỹ thuật chế tác, trang trí cho thấy đây hẳn là sản phẩm của một nghệ nhân cao cấp, cũng là đồ vật quý của tầng lớp cao trong xã hội bấy giờ, thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa, tư tưởng và mỹ thuật của thời Trần. Phát hiện Hộp vàng trên con đường hành hương lên am Ngoạ Vân cũng góp tư liệu quan trọng vào nhận thức về di tích am Ngọa Vân - “thánh địa” của Thiền phái Trúc Lâm trên dãy Bảo Đài sơn hoang sơ.
Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, thế kỷ XV
Hiện vật này được Sở Văn hóa - Thể thao sưu tầm trong Dự án Sưu tầm bổ sung hiện vật phục vụ trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh. Bình với chất liệu, màu men, đặc biệt là kỹ thuật vẽ nhiều màu, thể hiện trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ.
Qua nghiên cứu cho thấy, Bình được chế tạo từ đất sét trắng lọc ủ kỹ, cộng với độ nung cao, khiến cho xương gốm có kết cấu xốp và chắc. Hoa văn được vẽ nhiều màu trên toàn bộ bề mặt bình, từ miệng xuống đến chân đế bằng bút lông vẽ dưới men và vẽ trên men. Kỹ thuật này không chỉ đòi hỏi trình độ về thẩm mỹ để có thể kết hợp chính xác các nét vẽ của 2 lần vẽ ở 2 thời điểm khác xa nhau, mà hơn hết đòi hỏi một quy trình kỹ thuật phức tạp từ khâu vẽ, tráng men đến nung đốt. Các họa tiết vẽ dưới men được vẽ trực tiếp lên bề mặt cốt gốm trước khi phủ men, sau đó đưa vào nung nặng lửa với nhiệt độ khoảng 1.280-1.300oC, ở nhiệt độ này về cơ bản sản phẩm đã thành phẩm. Lớp họa tiết trên men được vẽ và sau đó được đưa vào nung ở nhiệt độ thấp hơn trước.
Bình gốm men vẽ nhiều màu là một sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc thời Lê sơ. Nếu như gốm sứ thời Lý - Trần tiêu biểu bởi các dòng sứ men trắng, gốm men lục, gốm hoa nâu, thì gốm thời Lê sơ tiêu biểu là dòng gốm men vẽ lam, đặc sắc nhất là loại gốm men vẽ nhiều màu. Khác với dòng gốm này của Trung Hoa, ngoài sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng..., gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng để vẽ trên men. Điều này đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao không chỉ ở khâu vẽ, mà còn cả ở các khâu khác để đảm bảo có một sản phẩm chất lượng cao, cũng cho thấy sức sáng tạo của các thợ gốm Đại Việt.
Giá trị nổi bật của Bình thể hiện qua các đề tài và màu sắc hoa văn trang trí; trong đó các họa tiết hoa lá, hình học làm nền tôn lên hoa văn rồng vờn ngọc báu. Khác với các đồ án rồng vờn ngọc thường thấy là song long hý ngọc báu, thì Bình lại trang trí 2 con rồng nối đuôi nhau bay lượn hý ngọc báu. Ngọc báu được thể hiện bằng hình tròn xoáy ốc, giống đồ án thái cực hơn là ngọc báu. Chính cấu trúc chuyển động của rồng kết hợp với ngọc báu dường như thể hiện sự vận động không ngừng của vũ trụ theo quan điểm của Đạo giáo. Giả thuyết này được bổ sung bởi màu sắc chủ đạo trang trí bình là đỏ nâu (chu sa), màu mang tính biểu trưng của Đạo giáo. Với màu sắc và đồ án hoa văn như vậy, dường như Bình được dùng trong các nghi lễ hoặc thể hiện triết lý của Đạo giáo.
Khác với các đồ gốm cao cấp trang trí rồng khác, rồng trang trí trên Bình là rồng có 4 móng. Dưới thời Lê sơ, hình tượng rồng là biểu trưng cho nhà vua và hoàng gia, ở đây có thể là hàm ý các sản phẩm đẳng cấp cao chỉ xếp sau những sản phẩm dành riêng cho nhà vua.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()