Những đụn cát hát có kích thước đa dạng, với đỉnh cao nhất là 1.715 m. Khi nhìn gần, chúng thậm chí có màu sắc phong phú, từ vàng và trắng tới xanh lá cây và đen. Tuy không chỉ có ở riêng Đôn Hoàng, đụn cát hát tại vùng này nằm dọc theo Con đường Tơ lụa, tuyến đường thông thương quan trọng giữa Trung Á và châu Âu suốt 1.500 năm từ thế kỷ 2 trước Công nguyên.
Chất lượng của hạt cát chỉ là một trong những yếu tố khiến đụn cát biết hát. Bao gồm nhiều hạt từ cỡ mịn tới trung bình, kích thước hạt cát cho phép chúng di chuyển và tương tác tốt hơn. Kết hợp với hình dáng, điều này tạo ra sự cộng hưởng và tần số khác biệt. Các hạt tròn và nhẵn cho âm thanh hay hơn. Hình dạng của đụn cát cũng góp phần vào âm thanh. Độ dốc của đồi cát ảnh hưởng tới mức độ tương tác giữa những hạt cát. Ngoài ra, cần có điều kiện gió phù hợp thổi hạt cát đủ để sản sinh âm thanh. Khi gió mạnh, đụn cát phát ra tiếng ầm lớn, nhưng trong điều kiện gió nhẹ, âm thanh du dương hơn.
Cấu trúc xung quanh cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh và phóng đại tiếng động, do đồi núi tạo ra luồng khí tập trung gió vào các khu vực đặc biệt quanh đụn cát. Khi gió thổi hạt cát sinh ra ma sát, lớp cát rung động tạo thành âm thanh. Lỗ khí giữa những hạt cát có thể đóng vai trò như buồng cộng hưởng tăng cường âm thanh đó. Khí hậu khô cằn cũng là một yếu tố tạo âm khác. Đó là lý do đụn cát hát được tìm thấy ở môi trường sa mạc. Độ ẩm thấp làm tăng ma sát giữa hạt cát, hình thành âm thanh khi chúng cọ xát với nhau. Sự kết hợp giữa rung động của hạt cát, sự cộng hưởng và lỗ khí dẫn tới âm thanh đặc trưng của đụn cát.
Ngoài Đôn Hoàng, đụn cát hát còn được phát hiện ở Nội Mông, Tân Cương, Cam Túc và Ninh Hạ. Sa mạc Namib ở Namibia và sa mạc Mojave ở California cũng có những đụn cát tương tự. Các nhà nghiên cứu thường theo dõi sát sao dấu hiệu của xói mòn và tác động của giao thông tới đụn cát. Bất chấp lượng lớn du khách, mỗi đêm gió sa mạc thổi qua sẽ xóa hết mọi dấu chân, trả lại vẻ nguyên sơ ban đầu cho đụn cát.
Ý kiến ()