Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:27 (GMT +7)
"Hiện thực hoá tầm nhìn, khát vọng phồn vinh và hạnh phúc của người Quảng Ninh”
Chủ nhật, 31/03/2024 | 07:50:44 [GMT +7] A A
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia, trong những năm công tác giữ vị trí Cục trưởng Cục Di sản văn hoá, đã có nhiều sự quan tâm đến các di sản văn hoá của Quảng Ninh. Ông cũng đã có nhiều tư vấn thiết thực để xây dựng các bộ hồ sơ di sản văn hoá của Quảng Ninh.
Nhân một hội thảo về di sản văn hoá tổ chức tại TP Hạ Long, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc trò chuyện với ông.
- Thưa ông, từ góc nhìn của một chuyên gia văn hoá, ông nghĩ gì về định hướng phát triển của đô thị Hạ Long?
+ Theo tôi được biết thì Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội cho địa phương xác định rõ tầm nhìn, hướng tới các mục tiêu: Tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và có các dự án đầu tư mới, phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc… Từ đó mở rộng không gian phát triển cho dài hạn trên cơ sở triết lý dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên - văn hoá - con người để xây dựng, phát triển Hạ Long thành đô thị dịch vụ du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ du lịch quốc gia có tầm quốc tế.
Trong định hướng bảo tồn gắn với phát triển bền vững và những dự án liên ngành cần được đầu tư cho bảo tồn các di tích trọng điểm phục vụ phát triển du lịch văn hoá ở Hạ Long (khu vực biển đảo - đô thị ven bờ - sinh thái nông/lâm nghiệp) trên nền tảng: Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; di tích lịch sử - văn hoá trong lòng đô thị qua các thời kỳ lịch sử; khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Tôi mong Hạ Long xây dựng một chương trình hành động và các dự án tu bổ, bảo quản và tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn thành phố, nhằm triển khai có hiệu quả Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 theo Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “về xây dựng và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.
- Ông mong muốn điều gì ở sự phát triển của Hạ Long?
+ Tôi tin chắc rằng, với quyết tâm chính trị cao cùng với sự chủ động, quyết liệt, đột phá, sáng tạo và linh hoạt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng và ủng hộ hết lòng của nhân dân toàn thành phố, với tầm nhìn và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, người Hạ Long sẽ đoàn kết, chung tay nỗ lực hết mình xây dựng quê hương thành đô thị “kiểu mẫu - giàu đẹp - văn minh - nghĩa tình”; xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của nhân dân tỉnh Quảng Ninh và tiếp tục toả sáng hơn nữa trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.
- Từ Hạ Long nói riêng nhìn rộng ra phạm vi toàn tỉnh, theo ông vấn đề phát triển công nghiệp văn hoá ở Quảng Ninh cần coi trọng điều gì?
+ Mục tiêu của Quảng Ninh là biến văn hoá trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh và các thành phố. Do vậy, chúng ta cần đánh giá đúng và khách quan tiềm năng, thế mạnh của TP Hạ Long về mặt di sản văn hoá, đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hoá phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá mà địa phương có ưu thế, trong đó có ngành du lịch văn hoá.
Chúng ta đã nhận diện được mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển bền vững, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của di sản văn hoá với tư cách nguồn lực có chất lượng trí tuệ cho phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, trong đó có ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương là du lịch văn hoá. Đồng thời, dựa trên nền tảng công nghệ số sáng tạo các loại hình dịch vụ văn hoá và sản phẩm du lịch đặc hữu nhằm định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh nói chung.
- Để biến di sản thành tài sản du lịch và phát triển du lịch văn hoá một cách bền vững, theo ông chúng ta cần quan tâm đến những vấn đề gì?
+ Trước hết, cần đánh giá các nhân tố tạo nên tiềm năng và thế mạnh về di sản văn hoá (gồm địa văn hoá, địa kinh tế, các loại hình di sản văn hoá…); thiên nhiên - văn hoá - con người; đánh giá đúng thực trạng hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá (mặt tích cực và hạn chế) gắn với phát triển bền vững; xác định thái độ ứng xử có văn hoá với môi trường thiên nhiên và xã hội để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn thành phố, trở thành “hệ thống các địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, tạo nên bước phát triển đột phá về du lịch.
Cần vận dụng được những thế mạnh của mình về di sản và cần có sự chung tay của người dân, doanh nghiệp để phát huy các giá trị của những di sản này. Chúng ta phải chung tay tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, giá trị kho tàng di sản văn hoá mà nhân dân là chủ sở hữu và hưởng thụ, tạo cơ sở huy động nguồn lực tổng hợp cho việc bảo vệ và trao truyền di sản văn hoá cho các thế hệ tương lai.
Trên cơ sở đánh giá đúng và khách quan tiềm năng, thế mạnh về mặt di sản văn hoá, cần đề xuất các mô hình phát triển và giải pháp thích hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá với tư cách là nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hoá phục vụ việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá mà địa phương có ưu thế, trong đó có ngành du lịch văn hoá. Để phát huy tính sáng tạo của cộng đồng, cần kéo doanh nghiệp có tâm và có tầm vào xây dựng mô hình hợp tác công - tư trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá. Tôi tin sẽ phát huy được nhiều sáng kiến của nhân dân, thu hút được những nguồn lực mang tính đột phá. Thực tế thì chưa có địa phương nào xây dựng được một mô hình mẫu nào trong hợp tác công tư.
- Thưa ông, về việc nâng tầm di sản văn hoá thế giới, chúng ta đã đệ trình UNESCO bộ hồ sơ Yên Tử là di sản liên tỉnh của 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Ông ấn tượng gì về bộ hồ sơ này?
+ Tại Việt Nam, di sản liên tỉnh mới có Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là di sản liên tỉnh giữa Quảng Ninh và TP Hải Phòng. Bây giờ, chúng ta đã xây dựng bộ hồ sơ di sản liên tỉnh ở đây là 3 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Chúng ta xây dựng hồ sơ dựa vào cảnh quan sinh thái dãy Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều, vừa có giá trị thẩm mỹ, vừa có giá trị sinh thái, lại là nơi sản sinh trường phái tôn giáo lớn của dân tộc.
Phật giáo Trúc Lâm xuất phát từ ý chí con người của cha ông ta, từ việc Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng như cha ông ta thời đó có nhu cầu tạo ra một ý thức hệ độc lập về tư tưởng tôn giáo. Ý thức hệ này kết nối lòng dân, tạo ra sự ổn định xã hội, xây dựng sức mạnh xã hội để cha ông chúng ta xưa xây dựng đất nước và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.
Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xây dựng Thiền phái Trúc Lâm độc đáo, có đóng góp vai trò xứng đáng trong tiến trình lịch sử. Vẫn trên nền tảng vị tha, nhân văn, khoan dung của đạo Phật, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo ra sức mạnh đại đoàn kết Đại Việt, sức mạnh Đông A để bảo vệ Tổ quốc. Chính vì thế, cá nhân tôi cho rằng, bộ hồ sơ đáp ứng được những giá trị về thiên nhiên, văn hoá, khảo cổ, văn hoá phi vật thể, lễ hội dân gian, cả những giá trị trên mặt đất lẫn trong lòng đất hội tụ. Đây là di sản phần nào có tính hỗn hợp.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
- Đưa di sản văn hóa đến gần hơn với lớp trẻ
- Lễ hội Đình Đầm Hà – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
- Đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội đình Vạn Ninh năm 2024
- Đặc sắc di sản văn hoá phi vật thể
- "Quảng Ninh nên đẩy mạnh việc số hóa các di sản văn hóa"
- Quản lý, phát huy giá trị các di sản văn hoá: Các chuyên gia nói gì?
- "Cần bảo tồn di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch bền vững"
Liên kết website
Ý kiến ()