Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:03 (GMT +7)
Hiện thực hóa những cánh rừng gỗ lớn
Thứ 4, 16/02/2022 | 14:03:00 [GMT +7] A A
Mùa xuân năm nay, mầm xanh của những cánh rừng gỗ lớn ở Quảng Ninh đã phủ kín hơn trên những ngọn đồi. Việc gắn Tết trồng cây với trồng rừng gỗ lớn đã góp phần hiện thực hóa mục tiêu 24.000ha cây gỗ lớn trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Quảng Ninh có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp gần 436.000ha, chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có trên 370.000ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mặc dù có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và sôi động nhưng tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 55,06% cao hơn mức bình quân chung cả nước là 13,05%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố.
Đối với tỉnh Quảng Ninh, rừng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phòng hộ bảo vệ đầu nguồn, vùng ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai, tạo nguồn sinh thủy đảm bảo chiến lược an ninh nguồn nước. Chính vì vậy, tháng 11/2019, tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương trên cả nước đã quan tâm ban hành nghị quyết chuyên đề về lâm nghiệp và triển khai thực hiện cho kết quả ban đầu tích cực.
Trong 2 năm (2020-2021), toàn tỉnh đã trồng khoảng 24.400ha rừng tập trung, tăng 1.412ha/năm so với giai đoạn 2018-2019. Chất lượng rừng được nâng lên thông qua việc trồng rừng tập trung bằng các loài cây bản địa như thông, lim xanh trong rừng phòng hộ (918ha); trồng rừng sản xuất trên 1.500ha bằng loài cây bản địa như quế, giổi, sa mộc, sồi phảng, thông, chiếm gần 10% diện tích trồng rừng sản xuất toàn tỉnh.
Điển hình trong vận động nhân dân tham gia trồng cây gỗ lớn là huyện Ba Chẽ với 563 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký tham gia trồng trên 1.000ha rừng gỗ lớn, cây bản địa. Trong năm 2021, huyện đã chuẩn bị 9,1 triệu cây giống lâm nghiệp các loại phục vụ trồng rừng; xây dựng mô hình trồng 13ha giổi ghép và 30ha mô hình trồng rừng gỗ lớn loài cây keo Úc. Tổng diện tích rừng trồng năm 2021 là 3.300ha, đạt 110,5% kế hoạch. Trong đó, trồng rừng gỗ lớn là 660ha, đạt 101,5% kế hoạch. Đặc biệt, huyện đã hỗ trợ cây giống trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa theo Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND ngày 23/3/2021 của HĐND tỉnh với tổng diện tích 304,6ha, kinh phí hỗ trợ trên 7,5 tỷ đồng.
Theo ông Vi Thanh Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ba Chẽ, cùng với những kết quả đạt được, công tác phát triển lâm nghiệp trên địa bàn huyện Ba Chẽ vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, chưa có nhiều mô hình rừng trồng gỗ lớn điển hình tại các vùng làm cơ sở tham quan, tuyên truyền, học tập. Mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn loài cây giổi, lim xanh còn thấp so với chu kỳ trồng rừng, nên chưa thu hút được nhiều hộ gia đình, cá nhân đăng ký tham gia thực hiện dự án. Bên cạnh đó, hiện cây quế vẫn chiếm tỷ lệ cao trong đăng ký trồng rừng do loại cây này mang lại giá trị kinh tế cao. Trong khi các loài cây trồng lâm nghiệp khác như lim, giổi… có chu kỳ kinh doanh trên 20 năm, nhưng chưa có đánh giá chính xác về hiệu quả kinh tế nên chưa thu hút được nhiều người dân đăng ký tham gia.
Giai đoạn 2022-2025, tỉnh đặt ra mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng năng suất rừng trồng từ 10m3/ha hiện nay lên 15m3/ha; đến năm 2025 có 5.000ha rừng lim, giổi. Đồng thời, ổn định tỷ lệ che phủ của rừng đạt 55% và nâng cao chất lượng rừng; ưu tiên trồng rừng gỗ lớn với diện tích 24.000ha cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chuyển hóa trên 10.000ha rừng keo gỗ nhỏ trên địa bàn các địa phương: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Hải Hà, Hạ Long và Tiên Yên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ đầu tư xây mới 1 vườn ươm giống có công suất trên 10 triệu cây/năm; nâng cấp mở rộng hệ thống 88 vườn ươm theo hướng hiện đại; khai thác hiệu quả diện tích rừng thông nhựa hiện có…
Theo đánh giá của ngành Lâm nghiệp tỉnh, trong năm 2021, kết quả thực hiện phát triển lâm nghiệp bền vững có chuyển biến rõ nét. Trong đó, cơ cấu cây trồng trong lâm nghiệp chuyển mạnh theo hướng tăng diện tích cây bản địa, cây gỗ lớn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng. Ông Vũ Duy Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Ngành Nông nghiệp phấn đấu trong năm 2022 trồng rừng tập trung 12.758ha, trong đó trồng mới ít nhất 2.500ha lim, giổi, lát ở những nơi có điều kiện; mở rộng diện tích quế hữu cơ tại các huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Xây dựng, củng cố hệ thống vườn ươm chủ động đáp ứng nhu cầu cây giống trồng rừng thâm canh; dần chuyển dịch trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn với cơ cấu loài cây trồng bản địa, có triển vọng phát triển rừng gỗ lớn tại địa phương; thu hút xây dựng các cơ sở chế biến lâm sản ứng dụng công nghệ cao, giảm các cơ sở chế biến lâm sản nhỏ lẻ không đủ điều kiện hoạt động.
Đối với các địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Đồng thời, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư trồng rừng gỗ lớn quy mô; thiết lập mô hình liên kết chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp giữa công ty, doanh nghiệp với hộ gia đình, cá nhân. Cùng với đó, vận dụng tối đa cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện để xây dựng các đề án, dự án hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong triển khai trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn…
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()