Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:01 (GMT +7)
Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Phát triển lâm nghiệp bền vững
Thứ 7, 22/01/2022 | 14:17:05 [GMT +7] A A
Nhận thức được vai trò của rừng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến 2025, tầm nhìn đến 2030. Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp với lộ trình cụ thể đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.
Có diện tích đất rừng lớn, Ba Chẽ xác định việc triển khai Nghị quyết 19 luôn là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Trong đó, huyện đặt ra mục tiêu xây dựng Ba Chẽ trở thành vùng trọng điểm kinh tế lâm nghiệp của toàn tỉnh, trung tâm về nguồn nguyên liệu và công nghiệp chế biến lâm sản. Để hoàn thành mục tiêu này, năm 2022, huyện phấn đấu trồng thêm 1.170ha rừng gỗ lớn, cây bản địa. Trên cơ sở đó, huyện đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn, cây dược liệu; giao chỉ tiêu diện tích rừng cho từng cơ quan, đơn vị; ký cam kết thực hiện kế hoạch trồng rừng gỗ lớn năm 2022 với các xã, thị trấn và doanh nghiệp.
Không riêng Ba Chẽ, tỉnh tiếp tục triển khai các hoạt động cụ thể thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Để đảm bảo việc lập hồ sơ quản lý rừng theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt đề cương dự án kiểm kê rừng năm 2021-2022. Trên cơ sở đó, năm nay sẽ triển khai dự án cắm mốc, bảng phân định ranh giới rừng trên bản đồ và trên thực địa. Đồng thời, triển khai dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng và thực thi pháp luật về lâm nghiệp cho lực lượng Kiểm lâm Quảng Ninh; dự án bảo tồn và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng; dự án phát triển kết cấu hạ tầng lâm nghiệp...
Tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và địa phương rà soát, đánh giá, kiểm soát các dự án có tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; tập trung quản lý quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp gắn với quy hoạch và định hướng phát triển KT-XH; triển khai ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy rừng... Đồng thời, tăng cường quản lý đất bãi triều, diện tích rừng ngập mặn; hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng bãi triều, rừng ngập mặn tạo quỹ đất phát triển hệ thống rừng cảnh quan du lịch biển; thực hiện các loại hình dịch vụ được cung ứng từ rừng để tái đầu tư rừng ngập mặn.
Tỉnh sẽ khôi phục, phát triển, mở rộng một số khu rừng đặc dụng. Trong đó, mở rộng diện tích gắn với bảo vệ hệ sinh thái tại di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Bái Tử Long, rừng Quốc gia Yên Tử, khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu; rừng phòng hộ tại các địa phương như tại Núi Cao Xiêm, Ngàn Chi (Bình Liêu), Phong Dụ, Đại Dực (Tiên Yên)... Cùng với đó, thực hiện các phương án quản lý rừng bền vững, cấp chứng chỉ rừng, đưa mục tiêu cấp chứng chỉ rừng vào kế hoạch phát triển lâm nghiệp hằng năm.
Tỉnh cũng ưu tiên trồng rừng gỗ lớn với 24.000ha tại các địa phương: Ba Chẽ, Bình Liêu, Cẩm Phả, Đầm Hà, Đông Triều, Hải Hà...; chuyển hóa trên 10.000ha rừng keo gỗ nhỏ trên địa bàn: Ba Chẽ, Cẩm Phả, Hải Hà, Hạ Long và Tiên Yên; đầu tư xây mới 1 vườn ươm giống công nghệ cao có công suất trên 10 triệu cây/năm. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển các cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao như cây hồi, quế, ba kích và dược liệu khác.
Thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh kiên quyết không chuyển mục đích rừng tự nhiên sang mục đích khác; sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học, các nguồn gen, loài sinh vật và hệ sinh thái rừng và ban hành chính sách khuyến khích trồng rừng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Đối với các cơ sở chế biến lâm sản, từ nay đến năm 2025, tỉnh chuyển đổi các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn theo hướng giảm số lượng các cơ sở chế biến thô, tăng dần các cơ sở chế biến sâu, giảm từ 464 cơ sở xuống còn dưới 250 cơ sở. Giai đoạn 2026-2030 tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành chế biến lâm sản theo hướng tăng chế biến sâu, nâng cao giá trị, giảm từ 250 cơ sở giảm xuống dưới 170 cơ sở. Đồng thời, di dời các cơ sở chế biến vào cụm công nghiệp tại địa phương theo quy hoạch.
Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp trong từng năm, tin rằng, Quảng Ninh sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững Nghị quyết 19 đã đề ra. Trong đó, đến 2025, giá trị sản xuất bình quân tăng 8%/năm, đảm bảo cho khoảng 60.000-70.000 người có việc làm với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/lao động/tháng, ổn định tỷ lệ che phủ của rừng 55%.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()