Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:23 (GMT +7)
Hiện thực hoá mục tiêu 9,5 triệu khách du lịch bằng cách nào?
Chủ nhật, 20/02/2022 | 10:19:18 [GMT +7] A A
Sau 2 năm liên tiếp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, năm nay với chính sách mở cửa trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu khá cao với lượng khách 9,5 triệu cũng như doanh thu 19.000 tỷ đồng trở lên, đều gia tăng hơn hai lần năm vừa qua. Vậy giải pháp nào để Quảng Ninh có thể hiện thực hoá những mục tiêu trên?
Cơ hội đi kèm thách thức
Sự khởi động trở lại của du lịch vào đầu năm nay với tín hiệu khởi sắc tích cực, nhiều nhất là từ dòng khách tới các điểm du lịch văn hoá tâm linh trên địa bàn, cho chúng ta những hy vọng. Dù vậy, dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp vẫn đem lại sự lo lắng đáng kể. 2 năm qua, do dịch Covid-19 mà lượng khách và doanh thu du lịch của Quảng Ninh đã sụt giảm đáng kể. Đây là một thực tế và nguyên nhân không chỉ do các địa phương đóng cửa du lịch mà còn từ tâm lý lo ngại vì dịch bệnh của du khách.
Các doanh nghiệp du lịch khó khăn vì vắng khách, thống kê năm vừa qua cho thấy có tới 80% số lượng cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã phải thông báo tạm dừng hoạt động. Chính vì thế, khi mở cửa trở lại, các đơn vị cũng cần có thời gian để “vào guồng”.
Ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch, từng lưu ý khi khôi phục hoạt động du lịch, các doanh nghiệp cần chú ý về chất lượng sản phẩm dịch vụ và nguồn nhân lực lao động du lịch. Vì vậy, việc rà soát, đánh giá lực lượng lao động để trên cơ sở đó tổ chức việc đào tạo, đào tạo lại, góp phần gia tăng chất lượng lao động du lịch, bổ sung lực lượng còn thiếu hụt, là một trong những giải pháp mà ngành du lịch đặt ra trong năm nay.
Bên cạnh đó, từng bước thích nghi với dịch bệnh, không ít doanh nghiệp du lịch lớn của tỉnh đã có nhiều nỗ lực duy trì các gói sản phẩm phục vụ du khách đi kèm với công tác an toàn phòng chống dịch, như: Legacy Yên Tử, Vinpearl Hạ Long, Khu du lịch quốc tế Tuần Châu, FLC, SunWorld Halong Complex, Premier Village Halong Bay Resort, Yoko Onsen Quang Hanh...
Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, Tập đoàn Tuần Châu cho hay, các đơn vị đã xây dựng phương án về những tour “khép kín, an toàn” để có thể đón khách ngoại tỉnh, rồi khách quốc tế theo luồng riêng đảm bảo an toàn và sẵn sàng vận hành khi cần thiết.
Nhiều đơn vị cũng chú trọng thực hiện các tiêu chí đảm bảo công nhận cơ sở du lịch an toàn, an toàn cao trong phòng chống Covid-19. Với các lợi thế về dịch vụ cao cấp, có tính độc đáo, không gian mở, thoáng, doanh nghiệp có sự chuẩn bị sẵn sàng nên khi du lịch mở cửa trở lại đã hút khách đáng kể, với công suất phòng của FLC, Vinpearl, M-gallery Yên Tử dịp đầu năm mới vừa qua đều đạt 80-90%...
Với dự kiến mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch vào cuối tháng 3 tới đây, trong đó ngày 15/2, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế, tiếp tục mở ra hy vọng cho sự phục hồi mạnh mẽ của du lịch, trong đó có thị trường khách quốc tế đến với cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng. Điều kiện khách quan thuận lợi là vậy nhưng nhiều chuyên gia cũng dự báo, thị trường khách nước ngoài chưa thể hồi phục ngay như trước vì nhiều lý do, một trong đó là chi phí bay hiện cao hơn trước khá lớn.
Với Quảng Ninh thì khách Trung Quốc là dòng khách lớn, rất quan trọng vẫn chưa thể trở lại khi biên giới nước này đóng cửa với khách du lịch ít nhất đến cuối năm nay, chắc chắn cũng tác động không nhỏ. Để tháo gỡ vấn đề này, Quảng Ninh dự kiến sẽ làm việc cụ thể với Cục Du lịch Quảng Tây, Trung Quốc về việc khôi phục hoạt động du lịch đường bộ qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, hoạt động xe ô tô du lịch tự lái…
Bên cạnh đó tập trung vào thị trường truyền thống tại một số nước khu vực Đông Bắc Á, ASEAN, từng bước mở ra các thị trường mới. Về thị trường khách nội địa vẫn được xác định là chủ lực, Quảng Ninh năm nay tập trung vào một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các khu công nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn.
Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lại chương trình hợp tác, hợp tác chiến lược với các hãng hàng không, các đơn vị lữ hành và tiếp tục đẩy mạnh nội dung hợp tác trong thời gian tới. Xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch với các địa bàn trọng điểm của du lịch Quảng Ninh để phát triển các chuỗi sản phẩm chung, đối lưu, trao đổi khách hai chiều; cùng hợp tác quảng bá du lịch quốc tế.
Khôi phục du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn dịch bệnh
Quảng Ninh cũng đề ra nhiều giải pháp khác mang tính đồng bộ. Về chiến dịch truyền thông, quảng bá, Quảng Ninh dự kiến thực hiện trên các kênh truyền hình có lượng khán giả lớn thông qua các video clip, chương trình trải nghiệm du lịch Quảng Ninh an toàn theo chủ đề 4 mùa, trải nghiệm ẩm thực... Quảng Ninh cũng sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ và số hóa trong quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh.
Với thị trường khách quốc tế, trước mắt tập trung quảng bá qua các kênh của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế mà du lịch Quảng Ninh là thành viên như: Diễn đàn hợp tác phát triển du lịch Đông Á (EATOF), CLB các vịnh đẹp nhất thế giới…
Cùng với đó, tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch tại các địa bàn trọng điểm du lịch, các khu công nghiệp và tham gia chương trình giới thiệu du lịch do các địa phương khác tổ chức. Dự kiến trong năm nay, Quảng Ninh sẽ tổ chức khoảng 70 sự kiện, chương trình, hoạt động về văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại… để thu hút khách du lịch.
Việc xây dựng các sản phẩm, chuỗi sản phẩm chất lượng, độc đáo, hấp dẫn, phù hợp với điều kiện thực tế về kiểm soát dịch bệnh để chào bán, thu hút khách cũng sẽ được tỉnh, ngành du lịch chỉ đạo, định hướng cho các doanh nghiệp xây dựng, hoàn thiện. Bên cạnh các sự kiện, sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt để thu hút khách của mỗi địa phương, Quảng Ninh cũng chú trọng xây dựng các sản phẩm điểm nhấn, như: Chuỗi sự kiện Festival áo dài, các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật định kỳ tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, biểu diễn nghệ thuật đường phố, các hoạt động hưởng ứng SEA Games 2023 tại Quảng Ninh, các sản phẩm du lịch về đêm…
Mục tiêu của Quảng Ninh năm nay là khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong điều kiện thích ứng an toàn dịch Covid-19. Quan điểm phát triển ưu tiên hàng đầu của tỉnh là việc bảo đảm các điều kiện an toàn điểm đến cho khách du lịch. Theo đó, nghiên cứu, hình thành các chương trình du lịch, sản phẩm du lịch “An toàn”; khuyến khích các công ty lữ hành và khách du lịch đi theo chương trình du lịch “An toàn”.
Việc liên kết với các tỉnh, thành phố thúc đẩy phát triển du lịch đảm bảo nguyên tắc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Xây dựng, công bố các điểm đến “an toàn”; tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến của các địa phương và công tác quản lý khách đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách và cộng đồng. Tiếp tục đánh giá, dán nhãn đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch…
Với hàng loạt các giải pháp đồng bộ, toàn diện, du lịch Quảng Ninh mang kỳ vọng có sự bứt phá trong năm nay, từng bước trở lại là một trung tâm du lịch thu hút khách hàng đầu Việt Nam.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()