Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:05 (GMT +7)
Hiện thực hóa khát vọng đổi mới
Thứ 3, 24/10/2023 | 10:17:01 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh tình hình trong nước, thế giới những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế suy giảm, nhưng tỉnh Quảng Ninh với sự nỗ lực, cố gắng cao nhất, tìm các giải pháp tạo ra những đột phá phát triển, nên tiếp tục có những chuyển biến rất quan trọng về mọi mặt. Thành quả có được đó là kết tinh của cả một quá trình dài nỗ lực, trong đó bước ngoặt quyết định cho những đột phá sau này là việc chọn chủ đề công tác năm 2014 "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp". Từ nền tảng đó đã góp phần giúp Quảng Ninh định vị mình, khẳng định sự vượt trội từ những bước đi chiến lược, khoa học, bài bản, thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển tỉnh ngày càng giàu mạnh.
Mục tiêu “Việc gì có lợi cho dân thì nhất định làm”
Khi chia sẻ với phóng viên Báo Quảng Ninh đầu xuân 2014 về lý do tỉnh quyết định chọn đề tài công tác năm là “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế và đồng hành cùng doanh nghiệp”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi đó là Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, đã nhấn mạnh: Trước hết cần phải nhấn mạnh đây là chúng ta quán triệt và cụ thể hoá thực hiện Kết luận số 74-KL/TW ngày 17/10/2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khoá XI) về “Tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014” và Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 (khoá XI) "Về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở" Đảng và Nhà nước ta. Từ đó đặt trong hiện trạng của Quảng Ninh hiện nay, đó là bộ máy Đảng, chính quyền, tổ chức và biên chế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế yếu kém cần sớm được khắc phục; các doanh nghiệp gặp khó khăn về nhiều mặt, từ đầu vào khó khăn, thị trường co hẹp, quy mô năng lực hoạt động còn hạn chế, đến trợ lực từ Nhà nước, như thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều tầng nhiều nấc, có chỗ trùng chéo... Do vậy, hơn lúc nào hết, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đang cần sự sẻ chia, giúp đỡ từ các cơ quan Đảng, chính quyền; đang cần chúng ta sáng tạo đổi mới trong quyết sách và tự đổi mới chính mình trong mọi hoàn cảnh".
Đồng chí khẳng định, Quảng Ninh cần phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trước hết là đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị "Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" để khắc phục cơ bản các tồn tại, hạn chế, yếu kém... Quá trình này diễn ra song song với các bước chuẩn bị về mọi mặt cho đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Tinh giản bộ máy không có nghĩa là co hẹp lại chức năng, nhiệm vụ, mà trước hết phải khắc phục ngay tình trạng cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, chồng chéo như hiện nay; cơ cấu lại, chuẩn hoá và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phù hợp với vị trí chức danh việc làm; nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai sâu rộng việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý qua thi tuyển cạnh tranh, minh bạch và bình đẳng... Những việc về xây dựng chỉnh đốn Đảng, tinh giản bộ máy, biên chế là rất khó khăn, tác động đến nhiều tập thể, cá nhân, nhưng khi Đảng có chủ trương, khi thực tiễn đòi hỏi, khi nhân dân mong đợi, khi nền kinh tế khó khăn... và đang xuất hiện thời cơ, thì chúng ta phải nhanh tay, quyết chí, đồng tâm, kiên trì hành động với tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì nhất định làm” như Bác Hồ đã dạy.
Còn đồng hành cùng doanh nghiệp là cùng đi con đường của họ, hiểu khó khăn của họ, nhưng đưa vào lăng kính của người quản lý để giúp họ. Doanh nghiệp có đứng vững, phục hồi, lớn mạnh được thì mới có thể nói đến tăng trưởng GDP, mới nói đến tăng thu ngân sách; để đầu tư công trình động lực, đảm bảo an sinh xã hội và các vấn đề khác. Vì vậy các cấp, các ngành, các địa phương phải gắn bó chặt chẽ hơn nữa, đồng hành với các doanh nghiệp, thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nhất là về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư thông thoáng, tiếp cận vốn, giải phóng mặt bằng, thuế, hải quan...
Quyết tâm đổi mới toàn diện
Từ xác định rõ chủ đề công tác năm trong bối cảnh thực tiễn của địa phương, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã quyết tâm đổi mới, vào cuộc với nhiều cách làm, giải pháp hiệu quả phù hợp.
Điển hình như đối với nội dung "Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tinh giản bộ máy biên chế”, tỉnh đã cụ thể hoá bằng việc xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25). Đây chính là nền tảng ban đầu quan trọng tạo nên những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về sau này. Nhận xét về Đề án 25 của Quảng Ninh, GS.TS Nguyễn Đăng Thành, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khẳng định đây là những giải pháp “xuyên phá”, là sáng kiến chính trị - hành chính vô cùng táo bạo. Ông cho rằng: Nếu không đổi mới tổ chức và bộ máy như Kết luận số 64-KL/TW thì rất khó tạo sự phát triển đột phá. Dẫu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng khi Quảng Ninh thực hiện thành công thì sẽ không chỉ mang lại lợi ích tự thân cho tỉnh, mà cho cả hệ thống chính trị của đất nước. Ông đánh giá cao quyết tâm và những khởi động ban đầu của tỉnh khi triển khai Đề án.
Theo đó, để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Quảng Ninh đặt lên hàng đầu là nhiệm vụ đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và tầm nhìn chiến lược, linh hoạt và sáng tạo trong cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Đi đôi với đó là đổi mới tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; tăng cường kiểm tra, giám sát và tự phê bình, phê bình; đẩy mạnh xây dựng các điển hình tiên tiến và làm theo gương Bác Hồ...
Để tinh giản tổ chức, bộ máy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định nhiều nhiệm vụ, giải pháp, như sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn theo hướng “một phòng thực hiện nhiều chức năng, một người làm nhiều nhiệm vụ”; chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp sang mô hình hoạt động theo doanh nghiệp; tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ; nhất thể hoá một số chức danh của cấp uỷ với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp…Thực hiện những giải pháp này, tỉnh đã giảm chi thường xuyên khoảng 300 tỷ đồng mỗi năm (bằng khoảng 11,5% tổng quỹ lương của tỉnh, bằng tổng số thu ngân sách nội địa của 6 huyện khu vực miền Đông của tỉnh). Quan trọng hơn là tổ chức bộ máy bớt cồng kềnh, vận hành tốt hơn, phục vụ hiệu quả hơn các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với 22/23 chỉ tiêu hoàn thành, nhiều công trình, dự án vận hành tốt đã khẳng định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh, hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy các cấp trong tỉnh được nâng cao.
Đồng thời tỉnh triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh với quan điểm “sự thành công, hiệu quả của doanh nghiệp chính là sự phát triển của Quảng Ninh”.
Nổi bật là quyết tâm cải cách hành chính, vận dụng sáng tạo, linh hoạt những giải pháp và quy định của Nhà nước và của tỉnh để tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Giai đoạn này, quy trình giải quyết về thủ tục đầu tư của tỉnh đã thay đổi căn bản, khi đề xuất của nhà đầu tư được lãnh đạo cao nhất của tỉnh giải quyết trực tiếp từ trên xuống, thay vì phải đợi các sở, ban, ngành báo cáo từ dưới lên như trước đây. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư đã giảm từ 40 ngày còn 9 ngày làm việc; lĩnh vực cấp mới, thay đổi cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được rút ngắn thời gian từ 25 ngày còn từ 7-10 ngày làm việc. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đã được đơn giản hoá, với phương châm nhanh, hiệu quả, giảm từ 34 bộ thủ tục hành chính còn 12 bộ.
Đặc biệt, hoạt động của trung tâm hành chính công được thực hiện theo mô hình mới, với phương châm hỗ trợ, tư vấn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước gia nhập thị trường, dễ tiếp cận về chính sách đất đai, thuế, công khai, minh bạch thủ tục hành chính. Tỉnh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại với các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư để lắng nghe những kiến nghị, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tổ chức đoàn làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực; duy trì đều đặn các buổi làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; điều chỉnh giá thuê đất; hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng; giải quyết nợ xấu; điều chỉnh giảm lãi suất; giãn nộp thuế; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản...
Thông qua các cơ chế, chính sách và việc làm cụ thể, trong năm 2014 Quảng Ninh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều dự án "khủng" tới địa bàn. Nổi bật là dự án của Tập đoàn Texhong đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Texhong Hải Hà, vốn đầu tư khoảng 4.520 tỷ đồng. Đây là dự án đầu tư hạ tầng KCN có diện tích lớn nhất địa bàn tỉnh thời điểm đó với 100% vốn đầu tư nước ngoài. Ông Hồng Thiên Trúc, Chủ tịch Tập đoàn Texhong, chia sẻ: Bên cạnh lý do Texhong quyết định đầu tư tại Quảng Ninh là vị trí địa lý thuận lợi, ưu thế về tài nguyên, thì điều mà doanh nghiệp ấn tượng là sự hỗ trợ tối đa của chính quyền Quảng Ninh. Khi Texhong đầu tư nhà máy, các thủ tục cấp giấy phép đã được hoàn tất chỉ trong vòng 1 ngày. Trong vòng 90 ngày, dự án đã đủ điều kiện khởi công xây dựng và đi vào sản xuất kinh doanh ổn định, sớm hơn 40 tháng so với kế hoạch. Quá trình triển khai dự án cũng nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía tỉnh, nhất là về nguồn nhân lực...
Cũng từ sự đồng hành, sẻ chia, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển của tỉnh mà đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn này đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Từ 289 doanh nghiệp trước năm 2000, đến năm 2014 đã có hơn 8.200 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc hoạt động, tổng vốn đăng ký trên 83.000 tỷ đồng; gần 100 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 5,1 tỷ USD. Các doanh nghiệp đã thu hút, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động với mức tăng trung bình trên 9%/năm, thu nhập bình quân của lao động trên 5,5 triệu đồng/tháng.
Minh Thu
Liên kết website
Ý kiến ()