Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:48 (GMT +7)
Hiện thực hoá chính quyền số
Thứ 7, 25/09/2021 | 10:46:40 [GMT +7] A A
Xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, tiến tới chính quyền số là mục tiêu lớn của Quảng Ninh. Người dân là đối tượng được thụ hưởng lớn nhất khi các chương trình này thực hiện thành công. Hiện tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Dự kiến trong năm nay, việc xây dựng đề án sẽ được hoàn thiện và bắt tay vào triển khai.
Tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã nêu rõ chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Tiếp đó, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Quảng Ninh xác định mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của tỉnh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.
Quyết tâm xây dựng và triển khai thành công chính quyền số cũng đã được tỉnh nhấn mạnh tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 và Chương trình hành động số 01/CTr-TU ngày 9/10/2020 của Tỉnh ủy. Trong đó, việc chuyển đổi số toàn diện để hướng đến chính quyền số được tỉnh xác định là một trong những đề án trọng điểm cho giai đoạn tới. Trên tinh thần đó, tỉnh đã bắt tay xây dựng chính quyền số dựa trên những kết quả và sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Trong đó, xây dựng đề án Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng CNTT đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành Chính quyền số.
Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, được UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thực hiện. Mục tiêu của đề án nhằm tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển KT-XH từ chuyển đổi số, để xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu, mạnh, mang lại giá trị hạnh phúc cho người dân. Đẩy nhanh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền số quản trị dựa trên dữ liệu số, hướng tới xây dựng chính quyền thông minh, từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Trong đề án cũng đề cập tới nội dung xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia. Đề án xác định ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong đó, các lĩnh vực cần tập trung chuyển đổi số gồm: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải, logistics, sản xuất công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tài nguyên môi trường, năng lượng, nông nghiệp, báo chí truyền thông, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Để đảm bảo chất lượng đề án sát tình hình thực tiễn về đổi mới công nghệ của Quảng Ninh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, đánh giá thực trạng tổng thể hệ thống Chính quyền điện tử, Thành phố thông minh và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh (gồm hạ tầng, thiết bị, tình hình, hiệu quả triển khai, tồn tại, hạn chế), cũng như thực trạng chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin của tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Từ đó, đánh giá cụ thể mặt được, mặt chưa được, xác định tồn tại, hạn chế, đề xuất giải pháp, mô hình, nguyên tắc xây dựng Chính quyền số tỉnh Quảng Ninh và các nhiệm vụ cụ thể. Cùng với đó, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các ngành liên quan cũng đã tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề để tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành liên quan nhằm hoàn thiện đề án, đảm bảo tốt các mục tiêu đề ra, góp phần phát triển tỉnh Quảng Ninh lên tầm cao mới trong tương lai.
Mới đây nhất, ngày 23/9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã họp cho ý kiến về đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó đã thống nhất với quan điểm kế thừa các đề án, chương trình trước đây làm cơ sở phát triển giai đoạn mới phù hợp với mục tiêu, nhu cầu sử dụng. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu phải tập trung xây dựng chính quyền số; ưu tiên cho việc xây dựng dữ liệu nền tảng; nguồn lực thực hiện theo cơ chế hình thức hợp tác công - tư.
Về giải pháp thực hiện, phải tập trung hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử để đảm bảo cơ sở vững chắc khi chuyển đổi sang chính quyền số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số phải gắn kết chặt chẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin với CCHC, đổi mới lề lối phương thức làm việc phục vụ người dân, doanh nghiệp của chính quyền các cấp, cơ quan quản lý. Cùng với đó, phải nghiên cứu thiết lập hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên một địa chỉ Internet để lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở đều nắm được và trả lời nhanh nhất. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và bảo vệ thông tin cá nhân... Những ý kiến này đã được đơn vị thực hiện đề án tiếp thu và chỉnh sửa, phấn đấu hoàn thiện trong năm nay để sớm triển khai thực hiện.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()