Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:41 (GMT +7)
Hiến máu cứu người - một nghĩa cử cao đẹp
Thứ 3, 11/04/2023 | 13:51:00 [GMT +7] A A
Không cần sự ghi nhận hay sự tôn vinh của cộng đồng, đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của bệnh nhân, không thể kể hết đã có bao nhiêu y bác sĩ, hội viên Câu lạc bộ máu sống ở các đơn vị y tế cũng như nhiều người dân có nghĩa cử cao đẹp đã nhanh chóng gác lại công việc, lập tức đến bệnh viện với mục đích truyền máu cứu người.
Chị Vi Thị Mão, ở thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên là một trong những bệnh nhân may mắn vượt qua cửa tử nhờ được hai bác sĩ trong ekip cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên đã trực tiếp cho chị 2 đơn vị máu. Chị Mão chia sẻ: “Ở nhà thấy đau bụng nên người nhà đưa vào Trung tâm Y tế cấp cứu. Tôi được chẩn đoán bị sốc mất máu do chửa ngoài tử cung vỡ. Rất may cho tôi là được các bác sĩ phát hiện bệnh nhanh chóng, đưa đi mổ luôn và cũng rất may có hai bác sĩ kịp thời truyền máu cứu sống tôi. Tôi rất cảm động, cảm ơn các bác sĩ đã cho tôi một cuộc đời thứ hai”.
Bác sĩ CKI Lại Văn Hồng, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên, một trong những thành viên của kíp trực hiến máu cứu chị Mão cho biết: “Bệnh nhân có chỉ định truyền máu nhưng chờ máu của Bệnh viện đa khoa tỉnh chuyển ra thì bệnh nhân rất nguy kịch. Bệnh nhân nhóm máu O và tôi cũng nhóm máu O nên tôi quyết định truyền cho bệnh nhân 1 đơn vị máu. Sau hậu phẫu bệnh nhân vượt qua khỏi tình trạng sốc mất máu, sức khỏe tốt dần lên, đó cũng là niềm vui cho chúng tôi”.
Các bệnh nhân cần được truyền máu thường trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như bị mất máu trầm trọng do phẫu thuật hoặc tai nạn, bệnh nhân mắc bệnh thiếu máu, chảy máu hay rối loạn đông máu và hỗ trợ điều trị một bệnh lý khác. Máu và các chế phẩm máu từ người hiến sẽ được sử dụng để thay thế cho lượng máu đã mất ở người nhận và điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có bất kỳ giải pháp nào có thể thay thế được. Ông Ngô Doãn Nhũ, trú tại phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long điều trị tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, được chẩn đoán mắc bệnh suy tủy phải thường xuyên truyền máu hơn 5 năm nay. Ông Nhũ chia sẻ: "Do tủy xương của tôi không còn khả năng sản sinh ra tế bào máu, máu trong cơ thể cứ giảm từ từ nên hàng tháng tôi lại lên bệnh viện truyền máu. Lần nào lên cũng có máu truyền nên tôi rất yên tâm điều trị tại bệnh viện".
Tại tỉnh Quảng Ninh, bằng việc chủ động xây dựng kế hoạch thu gom máu trong năm, kết hợp với ngân hàng máu sống đã đảm bảo nhu cầu truyền máu trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân đầy đủ, kịp thời. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh là đơn vị được Sở Y tế giao nhiệm vụ tiếp nhận, sử dụng và cung cấp máu tại bệnh viện và cho các đơn vị y tế khác trong tỉnh. Trung bình mỗi tháng bệnh viện sử dụng và cung cấp hơn 1.000 đơn vị máu.
Với sự chung tay của cả cộng đồng, năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thu gom được 11.454 đơn vị máu và xin cấp từ Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương 920 đơn vị. Ngay từ đầu năm 2023, bệnh viện đã có lịch thu gom máu từ các tổ chức, cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Thạc sĩ, bác sĩ Lương Tố Quyên, Trưởng khoa Huyết học - Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Thời điểm hiện tại lượng máu bệnh viện thu về đảm bảo nhu cầu truyền máu của bệnh viện và 15 đơn vị trong tỉnh. Đồng thời, xác định tính cấp thiết của việc truyền máu, các đơn vị y tế trong tỉnh cũng đã thành lập câu lạc bộ máu sống tại viện, kết nối với ngân hàng máu sống của địa phương để luôn đảm bảo có máu truyền cho bệnh nhân trong mọi tình huống”.
Hiện nay, hiến máu cứu người không còn là một hành động xa lạ đối với mỗi người, bởi đã có rất nhiều các chiến dịch hiến máu tình nguyện được tổ chức thường niên nhằm kêu gọi người dân tham gia hiến máu. Hiến máu nhân đạo rất cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, lan tỏa nghĩa cử cao đẹp và trao hy vọng sự sống cho những người bệnh.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()