Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:37 (GMT +7)
Đầu tư thiết bị, hiện đại hóa sản xuất sản phẩm OCOP
Chủ nhật, 20/03/2022 | 08:45:30 [GMT +7] A A
Đầu tư, trang bị thiết bị máy móc, hiện đại hóa sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm... là hiệu quả đưa lại từ chương trình khuyến công hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng sức hút của sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao tính cạnh tranh.
Theo thống kê, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương, nông sản, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, lại gặp nhiều khó khăn về vốn, thiếu sự mạnh dạn khi đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Vì thế, nguồn vốn hỗ trợ hàng năm từ nguồn khuyến công của Trung ương và tỉnh đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ sắm máy móc thiết bị, hiện đại hóa sản xuất.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tỉnh, cho biết: Những năm qua, Trung tâm đã hỗ trợ hàng chục cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ở nông thôn có sản phẩm tiêu biểu từ nguồn kinh phí trên, giúp các doanh nghiệp đầu tư thiết bị tiên tiến, xây dựng và đăng ký bảo hộ thương hiệu sản phẩm; tư vấn thiết kế, in ấn bao bì; giới thiệu, quảng bá...
Tuy còn hạn chế nhưng từ nguồn hỗ trợ này, các cơ sở, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, thay đổi công nghệ, đào tạo lại đội ngũ lao động, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, nâng sức cạnh tranh trên thị trường".
Theo thống kê, năm 2021, Bộ Công Thương, UBND tỉnh phê duyệt cho Quảng Ninh thực hiện 17 đề án, nhiệm vụ khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng. Trong số này có không ít các đề án, nhiệm vụ trang bị máy móc, thiết bị, hiện đại hóa sản xuất, cải thiện năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, OCOP, sản phẩm đặc trưng địa phương. Tiêu biểu nhất là các dự án đầu tư, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng với các sản phẩm hàu sữa Vân Đồn, nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, sữa Đông Triều...
Là đơn vị tiên phong trong sản xuất thực phẩm từ hàu và các loại hải sản, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quảng Ninh (Vân Đồn) cũng đầu tư dây chuyền, hiện đại hóa nhiều khâu sản xuất, tuy nhiên một số công đoạn vẫn thực hiện bán tự động hoặc thủ công như rửa hàu... Từ nguồn hỗ trợ trang sắm thiết bị là 300 triệu đồng, năm 2021, đơn vị đã đưa máy rửa hàu tự động với công suất 1 tấn hàu/giờ vào sản xuất.
Tương tự, nguồn lực trên cũng đã "tiếp sức” trang bị, hiện đại hóa quy trình sản xuất sản phẩm nước khoáng của Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh. Đó là nguồn hỗ trợ 200 triệu đồng ứng dụng thiết bị công nghệ Nhật Bản gồm 1 hệ thống làm mát Chiller, 1 hệ thống thiết bị trao đổi nhiệt tấm bản... góp phần vào đảm bảo chất lượng, năng suất sản phẩm.
Không chỉ vậy, thời gian qua, nguồn lực trên cũng được hỗ trợ hiện đại hóa sản xuất, nâng chất lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn, OCOP khác, như: Hỗ trợ 300 triệu đồng cho máy cô đạm nước mắm sá sùng (Công ty TNHH MTV Newstar tại Vân Đồn); sữa (Công ty CP Sữa Đông Triều)...
Nguồn hỗ trợ này đã đem lại hiệu quả đáng kể cho các doanh nghiệp khi giải quyết được nhiều công đoạn quan trọng. Với Công ty nước khoáng, hiện máy móc đang được hoạt động ổn định, giúp tiết kiệm điện năng gần 150%, chất lượng làm lạnh đồng đều, ổn định hơn, đảm bảo nâng cao được chất lượng cấp CO2 cho sản phẩm nước khoáng. Đặc biệt, sau khi máy móc đi vào sản xuất đã nâng cao năng suất hơn 3 lần so với máy cũ. Điều này, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, đạt doanh thu 70 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 154 lao động với thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng/lao động.
Ngoài ra, các nguồn đầu tư đó giúp đơn vị hưởng lợi cải thiện chất lượng sản phẩm như: Tăng độ đạm cho mắm, chất lượng sữa, đột phá trong cung cấp nguyên liệu hàu cho các dây chuyền chế biến hàu... “Thời gian qua, đơn vị nhận và thực hiện khá nhiều đơn hàng. Dây chuyền máy móc thường xuyên phải hoạt động hết công suất. Nhờ thiết bị trên đã giúp tăng năng suất lên 5 lần so với trước, đặc biệt là chất lượng hàu được rửa nhanh và sạch hơn nhiều” - chị Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Quảng Ninh chia sẻ.
Với hiệu quả đưa lại, không ít các đơn vị được hưởng lợi từ nguồn hỗ trợ này tiếp tục có nhu cầu xin được hỗ trợ, đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa sản xuất, nâng chất lượng sản phẩm trong thời gian tới.
Ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương tỉnh, cho biết: “Nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp tuy chưa nhiều nhưng đã giúp cải thiện sản xuất, chất lượng sản phẩm. Năm 2022, chưa kể nguồn của tỉnh, vốn hỗ trợ từ nguồn của Trung ương vào khoảng 2,6 tỷ đồng, chúng tôi sẽ dành các nguồn lực hỗ trợ tối đa doanh nghiệp, tập trung cho các đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, đào tạo nhân lực... góp phần gỡ khó, nâng cao chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp".
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()