Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:32 (GMT +7)
Hiện đại hóa ngành Y: Vì mục tiêu mang đến sự hài lòng cho người bệnh
Thứ 6, 25/02/2022 | 09:10:43 [GMT +7] A A
Cơ sở vật chất hiện đại cùng nhiều kỹ thuật mới, trang thiết bị tiên tiến đã được ngành Y tế Quảng Ninh chú trọng đầu tư, áp dụng tại các bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân trong, ngoài tỉnh.
Những năm qua, cùng với bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, nhiều kỹ thuật mới, phương pháp y học tiến bộ được ngành Y tế tỉnh ứng dụng thành công, đem lại hy vọng, niềm vui, sự hài lòng cho các bệnh nhân. Đồng thời, làm giảm đáng kể tình trạng chuyển tuyến và quá tải tại các bệnh viện; đến nay tỷ lệ chuyển tuyến của Quảng Ninh chỉ còn khoảng 1%.
Công nghệ làm “vũ khí” chống dịch Covid-19
Hơn 2 năm qua, giải pháp công nghệ được nhiều cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh áp dụng nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Ninh) đã được tỉnh đầu tư máy xét nghiệm tự động (Realtime RT-PCR) phục vụ công tác phòng, chống dịch. Nhờ vậy rút ngắn thời gian xét nghiệm, không phải chuyển mẫu bệnh phẩm lên Viện Dịch tễ Trung ương, 3-4 ngày mới có kết quả như trước đây. CDC Quảng Ninh cũng là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong nước có thể xét nghiệm Covid-19. Việc chủ động phát hiện sớm Covid-19 bằng các kỹ thuật xét nghiệm tiên tiến, góp phần quan trọng trong việc khống chế dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Toàn ngành Y tế tỉnh đẩy mạnh ứng dụng phần mềm công nghệ, triển khai đồng bộ các bộ công cụ chống dịch quốc gia, như: Tiêm chủng Covid-19, khai báo y tế, báo cáo an toàn Covid-19, hệ thống lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; hệ thống đăng ký khám chữa bệnh online... Trong hoạt động KCB, các đơn vị y tế của tỉnh đã ứng dụng triệt để tiện ích của CNTT vào các hoạt động: Quản lý bệnh viện; quản lý KCB; quản lý sức khỏe toàn dân; sử dụng hệ thống Telemedicine trong công tác đào tạo, hội chẩn, tư vấn, KCB từ xa; bệnh án điện tử; hệ thống Kiosk thông minh, chuông gọi y tá... Một mặt, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong điều kiện dịch bệnh; một mặt từng bước chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.
Ngành Y tế tỉnh đang có kế hoạch thí điểm sử dụng phần mềm quản lý thông tin, tư vấn sức khỏe F0 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các bệnh nhân mắc Covid-19 có thể nhắn tin, gọi điện đến hệ thống để được nhân viên y tế theo dõi, tư vấn chăm sóc sức khỏe, giải đáp những lo lắng khi nhiễm bệnh trong quá trình điều trị, theo dõi tại nhà/khu cách ly tập trung. Phần mềm này sẽ được ngành Y tế tỉnh triển khai trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, phổ biến, thông tin đến người dân trong thời gian sớm nhất.
Hướng tới chuyển đổi số trong ngành Y
Với mục tiêu nâng cao chất lượng KCB, mang lại sự hài lòng cho người dân, những năm gần đây, ngành Y tế tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng bệnh viện thông minh trên hệ thống bệnh viện toàn tỉnh. Hiện có Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đang đi theo lộ trình này. Bước đầu, một số quy trình được tự động hóa từ khâu đăng ký khám bệnh, thủ tục nhập viện, hồ sơ bệnh án, kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được thực hiện trên phần mềm. Đặc biệt, các dữ liệu thông tin về bệnh nhân được nhập một lần tại phòng khám và sử dụng theo dây chuyền ở tất cả các khoa, phòng khác trong bệnh viện, giúp đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, giảm sai sót, nhầm lẫn.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các khâu chẩn đoán, phẫu thuật và điều trị cũng đang được các bệnh viện tuyến tỉnh hướng đến. Cuối năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã áp dụng thành công công nghệ robot cầm tay trong phẫu thuật nội soi 3D tại bệnh viện. Đây là lần đầu tiên, công nghệ này được áp dụng, qua đó đã hỗ trợ đắc lực cho các phẫu thuật viên khi mổ, đem đến hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh mà không phải phát sinh thêm chi phí.
Mới đây nhất, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã triển khai thành công việc đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID vào đánh giá, phân tích hình ảnh tự động về tình trạng não của bệnh nhân đột quỵ, đã mang đến cơ hội sống cho nhiều ca đột quỵ não quá “giờ vàng”. Bệnh viện Bãi Cháy, từ năm 2019 đến nay đã vận hành hiệu quả hệ thống phòng mổ thông minh tích hợp hệ thống định vị Navigation và CT di động phòng mổ trong các ca phẫu thuật cột sống phức tạp...
Tiến tới mục tiêu chuyển đổi số, giai đoạn tới, ngành Y tế tỉnh đặt mục tiêu 90% người dân được định danh y tế, 50% các dịch vụ y tế được thanh toán điện tử vào năm 2025. Cùng với đó, mỗi người dân có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, mỗi cơ sở KCB triển khai tư vấn KCB từ xa; mỗi bệnh viện, trung tâm y tế triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, đơn thuốc điện tử; thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân đến từng hộ gia đình, đảm bảo liên thông khi KCB. Ngành Y tế tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cấp hạ tầng kỹ thuật tại cơ sở KCB; nhân rộng mô hình bệnh viện thông minh; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT, nhất là trí tuệ nhân tạo trong KCB, phục vụ tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()