Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:44 (GMT +7)
Hiện đại hoá khối doanh nghiệp chế biến nông sản
Thứ 7, 04/01/2025 | 14:43:34 [GMT +7] A A
Trước yêu cầu của thị trường và xu hướng phát triển công nghiệp chế biến, các cơ sở chế biến nông sản của Quảng Ninh thời gian qua ghi nhận sự chuyển dịch đáng kể trong việc đầu tư và ứng dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tiến tới nền sản xuất hàng hoá nông nghiệp bền vững và giá trị cao.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh đang có 694 cơ sở sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản, bao gồm 22 doanh nghiệp chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu; 408 doanh nghiệp, HTX chế biến nông sản, thủy sản tiêu thụ nội địa; 264 cơ sở chế biến lâm sản.
Trong số những cơ sở chế biến nông sản, thủy sản Quảng Ninh, số doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu được đánh giá chịu đầu tư cho khoa học và công nghệ nhất. Công ty F-ONE Global Foods (xã An Sinh, TP Đông Triều) sau 3 năm đi vào sản xuất đã có hệ thống bếp chiên, rán công nghiệp, có kho đông, kho mát, có máy trộn, máy nhúng, máy định hình, máy cấp đông nhanh và máy soi lỗi tiên tiến nhất hiện nay. Riêng thiết bị máy dò dị vật cho phép Công ty dò được dị vật kim loại và các tạp chất, cho phép báo hiệu và lọc sản phẩm lỗi ngay từ trong khâu sản xuất ban đầu.
Ông Yang Jin Han, Giám đốc kỹ thuật Công ty F-ONE Global Foods cho biết: Từ việc áp dụng thiết bị máy móc và quy trình chế biến hiện đại vào sản xuất, sản phẩm của Công ty F-ONE Global Foods đạt đủ các tiêu chuẩn xuất vào các thị trường trong và ngoài nước. Hiện nay, khoảng trên 50 loại nông sản các loại của đơn vị đang xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng các sản phẩm chủ lực của F-ONE Global Foods như mực, ớt, khoai lang, rau củ, lá mè chiên; bánh kim chi, bánh hải sản, bánh hẹ, bánh khoai tây, bánh bí đỏ… đang bán rất chạy.
Công ty TNHH Long Hải (CCN Kim Sơn, TP Đông Triều) chuyển về sản xuất nấm ăn các loại. Hoạt động từ những năm 2010, đến nay, Long Hải đã lần lượt đổi mới công nghệ từ thủ công sang công nghệ tự động hoá và hiện là công nghệ sinh học. Những phòng thí nghiệm, phòng khử trùng bằng tia cực tím, phòng máy tạo ozôn, phòng nuôi sợi nấm, phòng thúc mầm, phòng hãm, phòng nuôi cấy nấm… của Long Hải hiện đều được đánh giá hiện đại, có thể kiểm soát các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và tính vô trùng… giúp cây nấm phát triển sạch và giữ được hàm lượng vi chất cao. Chính công nghệ tiên tiến đã giúp sản phẩm nấm ăn của Long Hải có chỗ đứng trên thị trường, mỗi năm tiêu thụ đến 600 tấn nấm, riêng 4 loại nấm kim châm, sò tím, trà tân và đùi gà là sản phẩm độc quyền mang thương hiệu “Nấm Việt” của Long Hải.
Cùng với Long Hải, F-ONE Global Foods, phần lớn các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản xuất khẩu của Quảng Ninh đã và đang chú trọng đầu tư thiết bị để kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, ví như hệ thống băng tải tự động hoá, cân tự động, đóng gói tự động, máy hấp chịu nhiệt cao, hệ thống cấp đông IQF (cấp đông siêu tốc), hệ thống quản lý chất lượng VSATTP (dựa trên nguyên tắc phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn)... Hiện công suất thiết kế của các doanh nghiệp này khoảng 20.000 tấn nguyên liệu/năm, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Đối với khối cơ sở chế biến nông sản quy mô vừa và nhỏ, tuỳ vào năng lực của mỗi đơn vị đã dần chuyển đổi theo hướng từ thủ công sang bán tự động và sang tự động hoá. Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phương Thuỳ (phường Bắc Sơn, TP Uông Bí) xuất phát là một cơ sở nuôi cấy và chế biến nấm đông trùng hạ thảo quy mô hộ gia đình. Đến nay, Công ty đã chi hàng chục tỷ đồng để đầu tư nhà lạnh vô trùng, hệ thống làm mát, làm ẩm, thu nước, thu ẩm, tăng hạ nhiệt và hệ thống sấy thăng hoa, cho phép Phương Thuỳ cấy, nuôi phôi nấm trong môi trường nhà lạnh nhân tạo đồng thời sấy khô sản phẩm mà vẫn đảm bảo đến 99% hình dáng, màu sắc, mùi vị và 100% tinh chất. Từ nguồn nguyên liệu đông trùng hạ thảo, Phương Thuỳ đã chế biến gần 20 loại sản phẩm tinh chế, trong đó đa số sản phẩm đều nằm trong danh mục sản phẩm OCOP, được thị trường đánh giá cao, người tiêu dùng tin tưởng.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dáng Phương (phường Trà Cổ, TP Móng Cái) chuyên về sản xuất nước mắm truyền thống. Nhiều năm trong nghề, đơn vị nhận thức rất rõ việc cần thiết phải chuyển đổi từ việc ủ, chượp mắm ngoài trời sang ủ, chượp mắm trong thùng sồi hay còn gọi là công nghệ sản xuất nước mắm nhà thùng. Mỗi thùng sồi như vậy, Dáng Phương chứa đến 15 tấn cá nhâm, cá trích, trải qua quá trình nén, lọc và phơi mắm liên tục khoảng 18-24 tháng cho thu khoảng 4.000 lít nước mắm thành phẩm. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty cho biết: Cái hay của công nghệ sản xuất nước mắm nhà thùng là việc giữ nhiệt độ ổn định trong cả mùa đông và mùa hè, kích thích quá trình lên men vi sinh và quá trình phân giải hoá học, vốn là điều kiện tiên quyết để cho ra chai nước mắm đạt chuẩn mang màu cánh rán và thơm vị truyền thống.
Có thể thấy, từ sự chủ động của mình, khối doanh nghiệp chế biến nông sản Quảng Ninh ngày càng hiện đại và lớn mạnh. Đây là cơ sở để nông sản Quảng Ninh nâng lên về chất lượng, giá trị; doanh nghiệp chế biến nông sản Quảng Ninh nâng cao về cao doanh thu, lợi nhuận, tạo được việc làm và thu nhập của người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế nông nghiệp trên toàn tỉnh.
Việt Hoa
- Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản
- Năm 2024, nông sản của Quảng Ninh được tiêu thụ ổn định
- Xuất khẩu nông sản liên tiếp phá kỷ lục
- EU ban hành quy định mới về các biện pháp kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu
- Nâng tầm giá trị nông sản
- Hải Hà: Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
- Nỗ lực để thương hiệu nông sản vươn xa
- Kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản với các tỉnh phía Bắc
Liên kết website
Ý kiến ()