Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:25 (GMT +7)
Hiện đại hóa công nghệ trong kinh tế tư nhân
Thứ 7, 18/11/2023 | 06:39:40 [GMT +7] A A
Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW (ngày 3/6/2017) Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường hoạt động hỗ trợ kinh tế tư nhân. Trong đó, chú trọng hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách quản lý và hỗ trợ phát triển các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN và nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, nhập khẩu và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã triển khai hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động KH&CN trên địa bàn với tổng kinh phí 1,755 tỷ đồng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký thương hiệu sản phẩm, dịch vụ, chỉ dẫn địa lý để tăng hiệu quả kinh doanh sản phẩm có lợi thế của địa phương theo Chương trình OCOP. Đặc biệt, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư các dịch vụ thiết kế, đo lường, đánh giá, thẩm định, giám định chất lượng, chuyển giao công nghệ, tư vấn pháp lý về sở hữu trí tuệ theo hướng xã hội hóa cho kinh tế tư nhân. Đến nay, số văn bằng bảo hộ về quyền sở hữu công nghiệp đã được cấp là 46 sáng chế, 132 kiểu dáng công nghiệp, 3.029 nhãn hiệu, 41 nhãn hiệu chứng nhận, 4 chỉ dẫn địa lý với giao diện đơn giản, dễ tiếp cận, dễ sử dụng và tra cứu. Từ đó, các tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu, nắm bắt được thông tin để thực hiện thủ tục gia hạn kịp thời nhằm duy trì hiệu lực các văn bằng.
Giai đoạn 2017-2023, tỉnh đã phê duyệt 125 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; 8 nhiệm vụ thuộc Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020; 4 nhiệm vụ thuộc Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, phân cấp ngành, địa phương quản lý 50 nhiệm vụ KH&CN cấp sở; cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho 5 doanh nghiệp với tổng trị giá 28,8 triệu USD. Các nhiệm vụ tập trung nghiên cứu ứng dụng trên các lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm có thế mạnh, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh - quốc phòng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân… Song song với đó, các địa phương trong tỉnh chủ động gia hạn hiệu lực và duy trì hiệu quả 55 nhãn hiệu đã xây dựng; chủ động xây dựng 8 nhãn hiệu mới mang địa danh, trong đó có 6 nhãn hiệu chứng nhận và 2 nhãn hiệu tập thể.
Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng và phát triển 21 thương hiệu, đó là: 5 nhãn hiệu tập thể (na dai Đông Triều, nếp cái hoa vàng Đông Triều, mía tím Quảng Ninh, tôm chân trắng Móng Cái, vải chín sớm Phương Nam - Uông Bí; 13 nhãn hiệu chứng nhận (gà Tiên Yên, rau an toàn Quảng Yên, chè Đường Hoa, trứng gà Tân An, rượu mơ Yên Tử, nước mắm Cái Rồng, tu hài Vân Đồn, rượu ba kích Quảng Ninh, miến dong Bình Liêu, mực ống Cô Tô, ghẹ Trà Cổ, nhựa thông Quảng Ninh, thanh long Uông Bí); chỉ dẫn địa lý cho chả mực Hạ Long, ngán Quảng Ninh.
Tỉnh cũng quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trọng tâm là tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn về khởi nghiệp; xây dựng vườn ươm khởi nghiệp; tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính, vay vốn, ưu đãi, tư vấn hỗ trợ pháp lý, thuế… Qua đó, tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 doanh nghiệp KH&CN. Các doanh nghiệp luôn phát huy tính sáng tạo, chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm KH&CN; đầu tư nghiên cứu KH&CN để tạo ra các giống, sản phẩm mới có giá trị tăng cao.
Với những giải pháp được triển khai mạnh mẽ, theo ước tính của tỉnh, cả năm 2023 có 2.360 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc thành lập mới, tăng 8% so với năm 2022, nâng tổng số doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc lên 17.000; có 102 HTX thành lập mới, tăng 143% so với năm 2022…
Hiện tỉnh đang xây dựng Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và sản phẩm chủ lực xây dựng thương hiệu tới năm 2025, định hướng 2030, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành. Cụ thể: Hỗ trợ về đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp để có khả năng tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế; hỗ trợ tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa; đăng ký nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh; hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, tham gia gian hàng tại hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế… Tỉnh cũng triển khai xây dựng, cải tạo Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh… để mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề trở thành trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động có kỹ năng, có tay nghề cao cho doanh nghiệp; đồng thời thực hiện mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và mô hình liên kết giữa doanh nghiệp trực tiếp với hộ nông dân, trang trại đối với các sản phẩm OCOP…
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()