Chế độ ăn thô, hay còn gọi là raw food diet, là cách ăn uống sử dụng thực phẩm tươi sống, không dùng nhiệt độ cao để đun nấu, cũng không trải qua các công đoạn tinh chế, thanh trùng hay xử lý. Người theo chế độ này sử dụng chủ yếu các thực vật bao gồm trái cây, rau xanh, các loại hạt, song vẫn có thể bổ sung trứng sống và sữa theo nhu cầu, thậm chí cá thịt sống.
Nhiều người cho rằng chế độ ăn thô rất lành mạnh bởi giữ được hàm lượng các enzyme tự nhiên cùng các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm khi không bị nấu chín, từ đó hỗ trợ giảm cân, cải thiện sức khỏe và bảo vệ môi trường.
Ngày 22/8, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y dược TP HCM, nhận định các chế độ ăn thiếu cân bằng dinh dưỡng như thuần chay, ăn thô, thực dưỡng có thể ảnh hưởng sức khỏe nếu áp dụng lâu dài.
Theo y học cổ truyền, ăn nhiều đồ sống lạnh sẽ làm tỳ vị hư hàn, dẫn đến bụng óc ách, ăn uống khó tiêu, hay trung tiện, đôi khi kèm theo tiêu chảy rất khó chịu, mất ngủ. Ngoài ra, nguy cơ lớn nhất khi ăn thô là thiếu dinh dưỡng và ngộ độc do vi khuẩn, virus, độc tố tồn tại trong thực phẩm
Nhiều loại đậu có chứa saponin và legumin, khi vào cơ thể gây ói mửa, đau bụng, dẫn đến tiêu chảy, trường hợp nặng có thể ảnh hưởng tính mạng. Tuy nhiên, saponin và legumin là hai độc tố có thể bị phá vỡ khi gặp nhiệt độ cao. Do đó, thực phẩm được chế biến và làm chín ở nhiệt độ cao sẽ an toàn khi sử dụng.
Ăn sống các loại rau còn có nguy cơ gây tiêu chảy do E.coli, salmonella, staphyococcus, campylobacteria, giun xoắn ký sinh, virus viêm gan A, B, E. Khi nấu chín ở nhiệt độ cao, các loại vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt.
Ý kiến ()